top of page
Banner edge

VĂN

VĂN 2.png
VỀ QUÊ NỘI

HOÀI LY

Từ khi sinh ra cho đến lúc  lên năm, Tiểu My chỉ thấy có mỗi một mình sống thui thủi với mẹ ở quê ngoại, trong một căn nhà tranh trống trải, nghèo nàn, một mẹ một con, lẻ  loi, hẩm hiu theo ngày tháng.


Khi My chập chững biết đi, mẹ dắt em theo gánh trầu cau ra chợ bán để làm kế sinh nhai. Khi mẹ bận  việc nhà, My chỉ quanh quẩn chơi một mình, mặc dù nhà bà ngoại và các  dì, cậu ở cách chỉ một vườn trầu và nhản. Tuy còn nhỏ nhưng My đã cảm  thấy họ hàng bên ngoại đối với mẹ và cô rất lợt lạt, nhất là cậu Tư Quy,  dì Sáu Mai thường nhìn em với cặp mắt như khó chịu, ghét bỏ. Có lần, My  thỏ thẻ hỏi mẹ việc đó, nhưng người mẹ trẻ chỉ cúi đầu thở dài, không  nói một lời. Thấy mẹ buồn  bã, Tiểu My lặng thinh, rồi cũng quên mất.


Cuộc sống của hai mẹ con cứ lặng lẽ trôi qua cho đến một ngày... Có một người đàn ông tìm về mái tranh nghèo của mẹ, đó là cha của Tiểu My đã tìm về để đoàn tụ với nhau sau bao ngày xa cách tình vợ chồng vào năm em được năm tuổi. Năm ấy ba My đậu bằng kỷ sư công chánh ở Sài Gòn và ông đã trở về gặp mẹ cô ở quê ngoại như ngày xa xưa của sáu năm về trước..... Nơi miền quê mười tám thôn vườn trầu nổi tiếng ấy....


Có một người con gái tên  Mầu con bà Hai Tiếng vừa tròn mười sáu tuổi nổi tiếng xinh đẹp, đảm đang nhất thôn Tân Thới Trung, công việc của cô là mỗi sáng hái trầu cau đem ra chợ Hóc Môn bán.


Một ngày nọ, trên đường làng từ nhà ra chợ bằng xe thổ mộ, có một chàng trai trẻ độ chừng tuổi  đôi mươi cùng đi chung chuyến xe tình cờ đó, anh tìm đến miền quê để  thăm người bạn học cùng trường ở thành phố, lần đầu gặp gỡ cô gái, liền tìm cách làm quen với nàng.


Chàng trai trẻ tên Gia Vinh, nhà ở Cần Giuộc, gia thế vào bậc trung lưu, cha mẹ là điền chủ ruộng đất bề thế, là con trai một được cưng chiều và gởi lên Sài Gòn để  ăn học. Năm ấy, chàng mới vừa đậu Tú tài toàn phần, đang tiếp tục chuẩn bị thi vào Đại học, nay nhân dịp nghỉ hè, chàng lên đi chơi thăm bạn và dự đám giỗ nhà Tú Nguyên ở HM.


Trên chuyến xe thổ mộ định  mệnh ấy, Gia Vinh đã phải lòng cô gái tuổi trăng tròn của mười tám thôn từ cái nhìn đầu tiên, nên anh ta đã quyết tâm theo đuổi nàng, và từ đó, khi có nghỉ giữa các niên học, Gia Vinh đều đi về Tân Thới Trung thăm  Mầu, theo nàng ra chợ xem cô bán trầu cau, cho đến lúc tan chợ lẽo đẽo theo về nhà. Tình cảm của đôi người trẻ lần lần khắng khít, cô Mầu bị chinh phục bởi tình yêu chân thành của Gia Vinh.


Khi học xong năm thứ nhất Đại học, chàng về thưa với cha mẹ lên Hóc Môn hỏi cưới Mầu cho chàng.  Ban đầu, cha mẹ chàng không bằng lòng với lý do Vinh còn trẻ, mới vào Đại học, mà còn nguyên do quan trọng hơn là gia đình chàng đã hứa hôn cho con trai với một tiểu thơ con nhà vọng tộc trong vùng.


Chàng cương quyết từ chối cuộc hôn nhân sắp đặt ấy và quyết tâm cưới Mầu vì tình yêu chân thành của hai người. Vì vậy, Vinh cứ theo năn nỉ bà mẹ ngày đêm, cuối cùng vì thương con trai một, nên bà cũng xiêu lòng, đi sắm lễ vật lên xem mắt và hỏi cưới cô Mầu, mặc cho sự phản đối của ông Gia Phúc và ba cô con gái  trong gia đình.


Về phần gia đình của Mầu cũng không ưng ý về gia thế của Gia Vinh, vì cho rằng đó là hạng trọc phú, không lương thiện chân chính, nên không muốn nhận lễ gả con gái yêu quý, nhờ cậy, nhưng cô Mầu đã đem lòng thương chàng trai trẻ là công tử hào hoa, nên cô luôn khóc lóc buồn bã hoài, nên làm ba mẹ cô bối rối lẫn bực tức không biết tính sao. Sau cùng, ông bà cũng miễn cưỡng nhận lễ vật của đàng trai, tuy bằng mặt nhưng không bằng lòng chút nào, chỉ vì hai trẻ nên phải gượng gạo tiếp đón nhau, nói cười trong lễ hỏi, cưới mà thôi. Chỉ có hai người cô dâu chú rể là vui vẻ, nói cười, hớn hở vì được sum họp, về với nhau. Rồi cô dâu được rước lên cổ xe ngựa kết hoa cùng chú rể về nhà chồng tận xứ lạ. Thế là cô gái xinh đẹp của mười tám thôn, rời bỏ gánh trầu cau về làm dâu quê xứ khác.


Về nhà lạ, xung quanh bốn phía đều xa lạ, người dưng nên cô Mầu rất  bỡ ngỡ, lo lắng nhưng vì tình yêu cô Mầu bắt đầu vào vai trò cô dâu mới, mỗi sáng khi gà gáy lần thứ nhứt, cô đã thức dậy để cùng chị Gia Hương lo cơm nước đầu ngày cho cha  mẹ chồng và gia đình, kế đó là bữa trưa cho công cấy, sắp xếp để cùng cô Tư Gia Hương gánh ra ngoài ruộng cho thợ,  rồi tất tả quay về nhà nấu ăn cho cả nhà theo sự hướng dẫn của chị  chồng.


Cũng may là cô Tư Hương tánh tình hiền lành và thương em dâu trẻ còn nhiều bỡ ngỡ nên Mầu cũng thấy yên tâm và ngoan ngoãn theo cung cách bên chồng.


Ngày tháng đi qua, thỉnh thoảng Gia Vinh lại gửi thư về thăm nhà và người vợ trẻ làm Mầu cũng thấy vui và an ủi trong lòng. Chừng hơn hai tháng sau, một hôm cô đang gánh cơm ra ruộng, bỗng thấy người đổ mồ hôi, tay chân lạnh toát, xây xẩm mặt mày, rồi ngã vật ra đất ngất xỉu, không còn biết gì hết, may mà có một người dân làng đi ngang trông thấy, vội đở cô dậy dìu đến ngồi tạm dưới bóng cây trâm bên đường, rồi bươn chạy về nhà cho ông bà Gia  Phúc hay, thì trong nhà mới kêu người làm đi ra đem võng khiêng về, vì  lúc đó cô Mầu đã gần như lã người dưới nắng trưa chói chang.


Bà mẹ chồng liền sai người đi mời thầy đến xem mạch, hốt thuốc. Cả nhà ai nấy thảy đều có vẻ lo lắng cho cô, duy chỉ có cô Hai Gia Viên lại sầm mặt không vui, miệng lẩm bẩm: "Mới có ngã chút xíu mà làm dữ".


Sau một hồi chẩn đoán mạch tượng cẩn thận, ông thầy Bảy Hoàng, có tiếng nhất thôn, nói với ông bà Gia Vinh đang ngồi ở nhà trên chờ để biết bệnh tình con dâu ra sao là: "Mợ ở nhà đã có mang được hơn tháng, nhưng thai yếu".


Ông bà vui mừng trước hỷ sự này, liền thưởng cho ông thầy rất hậu, lại cho người đi theo để lấy  thuốc sắc, đồng thời biểu cô Ba Gia Mỹ đánh dây thép cho Gia Vinh hay và về gấp với vợ.


Từ hôm đó trở đi, Mầu cứ nằm bệnh miết, ăn bao nhiêu là cho ra hết, không nuốt được chút cơm cháo nào, kể cả sữa cũng ói ra, chỉ uống nước cầm hơi mà thôi. Hơn tuần lễ sau khi nhận được điện tín, Gia Vinh mới về nhà, vì bận thi cử. Thấy vợ mình nằm dã dượi, không ăn không uống, Vinh xót xa quá mà chẳng biết làm sao, chỉ biết nhỏ nhẹ an ủi và ép ăn uống cho có sức khỏe, nhưng cô càng ăn chút gì thì nôn ra hết. Vinh dù thương vợ, hết sức lo lắng cho cô Mầu, nhưng vẫn phải trở lên trường vì kỳ ôn thi cuối năm gần tới, chàng rầu rầu, băn khoăn mãi mà không biết nói sao cho nàng thấu hiểu tình cảnh của chàng, nhưng tuy đau yếu, mà nhìn sắc mặt của Vinh, cô cũng đoán hiểu phần nào, nên lúc chỉ có hai vợ chồng bên nhau, cô liền nói với chồng: "Em biết anh còn phải thi cử nữa, anh cứ trở lên Sài Gòn để không lở kỳ thi tới, em không sao đâu, chỉ bị nghén có hơi nhiều, ở  nhà có chị Ba chị Tư thương lo cho em lắm, qua tháng em sẽ hết, thầy nói vậy mà, anh đừng lo nhiều nhé".


Nghe vợ nói thiết tha như vậy, Gia Vinh rất cảm động và thương người đầu ấp tay gối biết bao nhiêu, nhưng trước tình cảnh không thể thoái thác việc trở lại học tập ở thành đô khi kỳ thi gần kề, chàng đành nén lòng dặn dò Mầu gìn giữ sức khỏe, gởi gắm nàng lại cho gia đình, rồi thu xếp về trường. Nàng cũng gắng gượng làm vui để chồng và cả nhà yên  âm.


Nhưng, ngay sau khi Gia Vinh lên Sài Gòn một ngày, thì Mầu bị nghén trở lại, nôn ói liên tục, không thể ăn gì, chỉ uống nước cầm hơi, thân thể suy kiệt, gầy ốm quá  đổi như xác ve nằm sát giường vậy, thuốc sắc đổ uống cũng như không. Cả nhà quýnh quáng chưa biết tính sao, ông Gia Phúc nóng ruột, bàn bạc phải đưa cô con dâu lên thành phố chửa theo tây y, nhưng bà mẹ thì còn do dự suy tính vì lời vô ra của cô Hai Viên, bà nói cứ để ít bữa nữa coi sao.


Nhưng tình trạng của Mầu không thuyên giảm chút nào, dù đã đổi thuốc mấy lần, cuối cùng gia đình tính đến việc mướn xe đưa cô đi nhà thương trên Sài Gòn, đang cho gia nhân chạy đi kêu xe lô thì Gia Viên lại cản  trở, nói với bà Gia Phúc là hiện giờ, nhà đang vào mùa thu hoạch, Gia Hương, Gia Mỹ và toàn bộ người làm trong nhà đều tập trung lo ruộng nương, công cấy, không có ai rảnh để theo lo chăm sóc nàng dâu ở nhà thương trên Sè gòn hết, cô Hai Viên nhỏ to với bà mẹ như vậy, "thôi thì sẵn mướn được xe, thì má nhờ anh Tư Lực, người bà con xa đang làm công cho nhà mình, theo xe đưa con vợ Gia Vinh về gởi sui gia bên Hốc Môn nhờ họ lo dùm đi, còn bây giờ mình ôm lo, mà nó bệnh nặng như vầy, có chuyện gì bên bà Hai Tiếng bắt  đền mình thì sao".


Bà Gia Phúc buồn rầu, lo lắng hết sức, cũng có ý thương dâu út, nhưng nghe lời "tâm tể" của Hai  Viên, bà thở dài, ứ hự rồi nghe theo sắp đặt của bà cô hai, biểu Gia Hương gói ghém áo quần cho Mầu, dìu cô lên xe về Tân Thới Trung.


Tội nghiệp cho nàng dâu trẻ, lúc đó đã như hết sức lực, mệt nhọc chỉ biết làm theo lời của cả nhà, lên gặp mẹ chồng thưa ít tiếng lào thào, được bà dúi vào tay cô một gói giấy, xong lại run rẩy lê bước theo tay đỡ của Gia Hương và người  đàn ông tên Lực để lên xe về lại nhà mẹ sau thời gian ngắn đi lấy chồng ở  xứ xa trong lúc ông Gia Phúc đi công việc không có ở nhà.


Lần trở lại nhà mẹ ruột của cô Mầu này rồi sẽ ra sao, cô hoàn toàn mù mờ không biết được, vì từ khi vào trong chiếc xe đó cô đã rơi vào tình trạng hôn mê, người như đang bồng bềnh trên một con thuyền, mặc cho người ta đưa cô tới nơi nào cũng không hề nhận thức được gì.


Ở quê ngoại, khi thấy con gái yêu quý của mình trở về nhà với thân hình xơ xác, gầy mòn bịnh hoạn, gần như không còn hồn vía gì nữa mà bên sui gia chẳng hề có một lời phân trần gởi gắm cho phải lẽ với đàng gái, mà chỉ do người lạ hoắc đưa về như là quăng bỏ một vật hết xài, không thèm ngó tới.


Bà Hai Tiếng giận sôi trong lòng, ước sức muốn xuống nhà Gia Vinh nói lý lẽ với gia đình họ cho hả trong bụng, bà liền mặc áo đội khăn đi, nhưng ông kịp cản bà lại, nói lác đác biểu không nên gây chuyện lớn thêm phiền.


-"Để sau này rồi tính, việc bây giờ là lo tìm thầy, chạy thuốc cho con lành mạnh trong lúc nó thai nghén như vầy", ông Hai nói.


Bà Hai nghe lời khuyên phải quấy của ông chồng, nghĩ lại mới nguôi ngoai phần nào, nhìn qua cô  Mầu mà đau lòng như cắt, bà liền hối Sáu Mai đi mời ông bác họ xóm trên  xuống thăm bịnh cho Mầu đang nằm liệt giường  chiếu.


Nhờ ông Năm Coi tuy không hẳn là một Đông y sĩ, nhưng có phương thuốc gia truyền, và tay phục dược nên vài ngày sau, Mầu lần lần hồi phục sức khỏe, ăn uống được chút  đỉnh và an thai.


Ông bà Hai Tiếng mừng rỡ, cắt đặt hẳn một người trong nhà chăm sóc, cơm nước riêng cho con gái,  bà cũng quyết định giữ Mầu ở lại nhà luôn đến khi sanh con, không cho cô  trở về bên chồng dầu có khỏe mạnh hay ra sao nữa, và cắt đứt liên hệ với gia đình ông Gia Phúc, không tình nghĩa sui gia gì nữa.


Tính tình bà rất cương quyết, nói sao làm vậy, không thay đổi nên cả nhà không ai dám cãi lời  hết, kể cả ông chồng cũng phải nể bà phần nào, với lại lần này dù cho Mầu đã rớt nước mắt năn nỉ bà mẹ nhiều phen, nhưng bà vẫn một là một. Cô  đành im lặng mà rối rắm trong lòng, không biết tính sao đây.


Cả nhà đều xuôi theo ý nữ chủ nhân, chỉ có Tư Quy là làm mặt giận hờn, luôn miệng cằn nhằn bà má mình:


-"Má làm vậy sao mà được, đã gả đi thì làm thế nào cũng phải ở bên chồng chớ, mình giữ riết bên nầy hoài là không đúng đâu má".


Bà Hai Tiếng đang ngồi chỗ bàn nước, chậm rải nhai trầu, nghe con trai nói vậy, bà với tay lấy ống nhổ, phun bả trầu, lấy khăn đỏ chùi miệng, xong cất tiếng nói lớn:


-"Tư mầy nói vậy có ý gì, không thấy em gái mình bị quăng về đây với thân sơ thất sở, bịnh hoạn, không ra hồn người hay sao. Vậy mà mầy còn biểu tao đem đưa nó về cái nhà tệ hại, thất đức đó nữa. Mầy không thương nó thì để tao, nhứt định nó sẽ ở nhà này, cấm tuyệt thằng chồng nó lui tới thăm nom nhìn con, cái  nhà đó cũng vậy, mầy biết chưa Tư."


Bà nói xong, đứng dậy, đi tuốt vô buồng, mặc cho Tư Quy chết trân, không nói được câu nào.


Từ lúc đó, Mầu ở lại nhà  mình, trong căn buồng cũ thời con gái, dưỡng thai, và khi đủ ngày tháng, cô sanh một đứa con gái xinh xắn, khỏe mạnh, giống Gia Vinh như tạc.  Ông bà ngoại hết sức mừng rỡ, rất thương và cưng chiều bé Tiểu My.


Những ngày tháng sau đó...


Lúc Gia Vinh kết thúc kỳ thi năm hai, trở về nhà thì không thấy vợ mình đâu nữa, chàng hết sức ngạc nhiên lẫn lo sợ hoang mang, hỏi cùng khắp người trong nhà thì ai cũng trả lời mờ ớ, không rõ ràng, kể cả hai bà chị Gia Hương, Gia Mỹ chỉ nói vắn tắt là Mầu xin về nhà chữa bịnh rồi bặt tin luôn, bên sui gia không hề qua lại cho hay tin gì hết. Gia Vinh sốt ruột, gặng hỏi hoài, Gia Hương mới nói thêm là cô có đi hỏi thăm, nhưng bà Hai Tiếng ngọt nhạt trả lời là đã đưa cô con gái út lên Gia Định gởi nhà người bà con để chữa bịnh rồi, không có ở nhà mẹ.


Gia Vinh bán tín bán nghi, hỏi lại cha mẹ thì cũng câu trả lời y chang vậy. Chàng xin phép ông bà qua Hốc Môn thăm vợ, tuy hai người già có ý không bằng lòng, nhưng cũng miễn cưỡng gật đầu, Vinh lật đật đón xe về quê vợ thăm Mầu, nhưng vừa tới trước cửa rào, thì gặp ngay Tư Quy đứng áng tại đó, vẻ mặt lạnh lùng, cất giọng cao ngạo:


-"Đi thăm Út Mầu à, nó không có ở nhà nầy đâu, đã đi lên thành phố rồi!  Mà ba má tôi cũng cấm cửa cậu rồi, đi về đi, từ giờ đến sau, hổng có sui gia gì nữa ráo trọi."


Vinh hết hồn, lính quýnh định lên tiếng năn nỉ, xin vô nhà chào ông bà nhạc gia cho phải phép, nhưng vừa lúc ấy, có tiếng bà Hai từ trong nhà nói vọng ra:


-"Tư à, biểu thằng Gia Vinh về đi, từ nay đừng qua lại nơi này nữa, tao với ba mầy hổng có tiếp đâu nghe".


Tư Quy nghe vậy được nước lên mặt:


-"Đó, nghe chưa cậu công tử, ba má tôi đã nói rõ ràng rồi, vậy mau mau "lui ghe đi nha".


Rồi anh ta quay lưng, đóng  cửa rào cái rột, bỏ ra sau nhà một nước. Vinh đứng sựng hồi lâu, lóng  ngóng ngó vô nhà, như tìm kiếm bóng người vợ thân yêu, nhưng căn nhà vẫn vắng lặng, không có ai vào ra, qua lại.


Chàng trai trẻ còn ráng đi về mấy lần nữa, mà người ở đó ra mặt lạt lẽo, nhứt quyết không cho anh ta gặp mặt vợ con.


Anh ta đành trở về nhà thưa lại cho ba má mình hay sự tình như thế đó.


Ông bà Gia Phúc nghe xong  cũng nổi cơn tam bành, quyết cắt đứt  quan hệ với nhà cô Mầu, không nhận lại đứa con dâu mới cưới không lâu. Bà còn gọi Gia Vinh lại biểu viết  tờ thôi vợ liền, rồi ông bà sẽ đi cưới vợ khác cho anh.


Vinh buồn rầu, từ chối ngay và xách va ly lên Sài Gòn, xin vào ký túc xá trường ở luôn làm ông bà Gia Phúc không kịp trở tay.


Phần ông bà Hai Tiếng bên Mầu cũng có quyết định thắt ngặt với con gái mình dầu thương yêu họ hết  lòng mặc cho cô Mầu năn nỉ ỉ ôi, nước mắt ẵm con về bên chồng, nhưng bà má nghiêm khắc không cho là không, bà biểu cô Sáu Mai ra chợ tìm người về cất một căn nhà tranh riêng cho hai mẹ con ở cách hai vườn trầu và  nhãn, xa tít tắp ngôi nhà chánh của gia đình, để "bên kia" không biết, không tìm được cô Út Mầu và bé Tiểu My, nhứt là chàng rể Gia Vinh.


Mầu thương nhớ chồng, xót con trẻ sinh ra mà như sớm mồ côi cha, nhưng vì lịnh mẹ bắt vậy, đâu dám cãi, cô đành sống cho qua ngày đoạn tháng.


Rồi những biến cố lịch sử của đất nước lại xảy đến năm 1945, từ Bắc vô Nam. Tiếng trống Nam Lân nổi dậy, mười tám thôn vườn trầu đứng lên, toàn dân đồng lòng kháng Pháp. Gia đình bà Hai tạm tản cư qua Long An thời gian ngắn, Mầu phải  theo cả nhà.


Rồi Sài Gòn cũng đồng lòng đánh Tây, đuổi quân thù ra khỏi nước, giành lấy độc lập tự do. Theo vận mệnh đất nước, Gia Vinh cũng tầm vông vạt nhọn, "nóp với giáo mang ngang vai"  như lớp lớp thanh niên thuở đó, đã lên đường, những người thương yêu nhau, những thân nhân gia đình họ cũng lạc tin nhau từ đó.


Lời kể của Tiểu My.


Hình như ơn trên thương xót hoàn cảnh của mẹ con tôi và vì những lời cầu nguyện của mẹ hằng đêm mà đã cho gia đình tôi được trùng phùng sau bao năm dài xa cách.


Một ngày, khi đất nước thanh bình, ba tôi từ bưng biền trở về thành phố, sau bao ngày tháng vất vả tìm kiếm hai mẹ con, vì bà ngoại nhứt định dấu kín tin tức, chỗ ở của tôi và mẹ, dù cho gia đình đã trở về quê cũ, dặn dò cả cậu mợ, dì dượng, họ hàng không được hé môi cho biết. Nhưng cuối cùng, ba tôi cũng tìm về được căn nhà tranh cũ kỹ, dột nát của má, để sum họp với vợ  con.


Nhìn thấy tình cảnh cơ cực, lầm lũi tháng ngày của người vợ trẻ, ba tôi không chịu nổi, đành liều lĩnh, trốn bà ngoại dắt díu nhau lên đô thành sanh sống.


Má thương ba nên đành ôm con đi theo. Từ đây cuộc sống của cả gia đình tôi ba người thay đổi theo nhịp sống đô thị. Ba tôi mướn được một căn nhà nhỏ ở đình Tân Kiểng, Chợ Quán trên đường lớn Galiéni, cho ba người cùng quây quần đoàn tụ.  Thời gian đó, ba tôi làm đơn học lại ngành công chánh, sau hai năm mới ra trường, má tôi thì mỗi sáng tinh mơ, đi vào trong xóm rẩy, mua lê ghim rồi theo đường xe lửa giữa gánh ra chợ Sài Gòn bán, trưa tan chợ  thì xếp gióng gánh về nhà lo cơm nước, tôi thì ba xin cho vào học trường nhà thờ.


Hai năm sau, ba tôi ra trường, đậu bằng kỹ sư cầu cống và thường đi các công trình ở các tỉnh miền tây.


Thời gian sau đó nữa, má tôi lần lượt sanh thêm hai cậu nhóc tì, trong sự vui mừng, hạnh phúc của ba tôi: Gia Quân và Gia Bửu.


Tôi thì cứ bình thản vui vẻ sống trong tình thương của cha mẹ, em út.


Ba má cũng thấy nhắc gì đến họ hàng nội ngoại, nên dường như lần lần tôi cũng quên họ mà chỉ biết có hai người thân sinh ra mình và các em trai mà thôi. Nhưng có một việc hơi lạ là thỉnh thoảng ba tôi lại dắt hai đứa em trai đi đâu đó một hai ngày, tôi ngạc nhiên hỏi má thì bà trả lời qua loa "Về nội đám giỗ" rồi lảng tránh qua chuyện khác. Ban đầu, cũng thắc mắc, tôi hỏi  lại: "Sao má và con không đi đám giỗ vậy".

Bà lặng thinh cúi đầu, không nói lời nào hết. Thấy vậy, sợ má tôi buồn thêm, nên tôi không hỏi nữa nhưng không khỏi bâng khuâng nghĩ ngợi trong lòng.


Ngày tháng trôi qua như nước chảy tên bay, cho đến năm tôi tròn mười tám tuổi, sắp sửa thi Tú tài phần hai thì bỗng một đêm, tôi nghe cha mẹ thì thầm trò chuyện trong buồng riêng lâu lắm, xem như chuyện thường ngày của hai ông bà, tôi không lấy làm điều, vẫn chuyên tâm học tập cho các môn thi sắp tới, thì ngay sáng hôm sau, má tôi kêu lại biểu sửa soạn đi chợ mua đồ với bà, tuy ngạc nhiên, nhưng tôi vâng lời mẹ liền thay áo đi theo ra chợ Bến Thành mua vải may áo dài, đó cũng là điều đặc biệt, vì áo dài trắng đi học đều do má lựa vải và tự may cho tôi, sao nay lại mua hàng đẹp và đắt tiền, màu sắc tươi tắn.


Đó là khúc vải lụa màu  hồng phấn, mịn và mát. Sau đó, má dắt tôi đến một tiệm gần chợ Sài Gòn để may cho con gái một chiếc áo dài đẹp lần đầu tiên.


Tuần lễ sau, cả nhà theo lời của ba cùng sửa soạn một chuyến đi xa. Tôi hồi hộp mặc lên người chiếc áo mới đi chơi cùng gia đình. Hai em  trai được ăn mặc tề chỉnh áo sơ mi quần tây thật ra dáng.


Má tôi cũng mặc đẹp hơn ngày thường, nhìn kỹ thấy bà có thoa một lớp phấn mỏng trên gương mặt và  tô môi son nữa. Có điều gì lạ sẽ xảy ra đây.


Cả nhà tôi lên xe lô đi về phía miền tây, chiếc xe chạy ra ngoại ô, băng qua những cánh đồng lúa, có lác đác vài ngôi nhà tranh, cảnh vật êm  ả, thỉnh thoảng mới có một hai bóng người qua lại. Thật lâu rồi, tôi  không có dịp đi ra ngoài thành phố, nên lạ lẫm ngắm nhìn mãi phong cảnh hai bên đường. Tôi quay qua hỏi ba ngồi ở băng trên: "Cả nhà mình đi đâu vậy ba?  Ba cười nhẹ:  "Tới nơi thì con biết thôi". Hướng về bà má, tôi muốn má cho tôi câu đáp, nhưng bà vẫn im lặng, đôi mắt xa xăm. Quen tánh má nào giờ, tôi lại quay sang ngắm tiếp cảnh đẹp đồng quê.


Cuối cùng xe ngừng lại  trước một ngôi nhà gạch đỏ to rộng, ba gian  hai chái, có cái sân đất nện với hàng cau xanh mướt. Ba nắm tay tôi, dắt đi qua sân vào nhà, má và hai em nối bước theo sau.


Gian nhà trước như chìm trong bóng tối, vì tôi từ ngoài sáng bước vào, nên không thấy gì, ba vẫn nắm tay tôi từ nãy giờ, ông chợt đứng  lại, hướng mắt vào một chỗ, miệng nói lớn, lễ phép: "Thưa mẹ, con và  cháu mới về, có cả "nhà con"  nữa".


Lúc nầy, có tiếng ho nhẹ, rồi tiếng dép đi ra: "Vinh về đó hả con?"


Ánh sáng ngọn đèn cổ treo trên xà nhà bật sáng, tôi hơi giật mình khi thấy một bà lão xuất hiện nơi cửa buồng, đầu bạc, dáng vẻ còn rắn rỏi, mỉm cười với ba và tôi. Bà bước đến ngồi nơi chiếc bàn tròn đặt ở một góc.


Ba tôi liền bước tới rót trà cho bà, và quay qua nói với tôi đang đứng bên cạnh:


-"Con lại chào bà nội đi".


Tôi ngạc nhiên quá sức, đứng ngẩn ra, miệng khô cứng không thốt nên lời, cho đến khi má tôi ở đằng sau đẩy mạnh tay tôi một cái, tôi mới khoanh tay, mở miệng lắp bắp:  "Con thưa bà nội, con là Tiểu My". Tiếng gọi bà nội còn xa lạ quá đối với tôi cho đến bây giờ. Trống ngực tôi đánh liên hồi, nghe mơ hồ tiếng của ba nói với bà "Vợ chồng con khai sinh tên cháu nó là Gia Uyên, Phạm Gia Uyên, hồi lên Sài Gòn, mẹ à, tên Tiểu My là do bà ngoại đặt cho hồi nhỏ, nên cháu nó quen vậy rồi".


Lúc bấy giờ bà nội tôi cười rộng miệng, khoát tay nói: "Không có gì  đâu, là cháu của Phạm Gia ta mà, tên Tiểu My cũng đẹp, lại là bà sui gia đặt cho thì tốt lắm, không điều gì cả.


Rồi bà đưa tay kéo ôm tôi vào lòng, giọng xúc động "Tội nghiệp cho cháu tôi, bao năm nay vắng tình thương của ông bà, may mà ơn Trời còn cho bà cháu được gặp nhau, bà thật có lỗi với mẹ con và con". Nói tới đây, bà nội bỗng ngậm ngùi tuôn hai hàng nước mắt, làm tôi cũng thấy thương cảm, rưng rưng muốn khóc  theo.


Có tiếng sụt sùi của má tôi đang cất lên làm cả hai bà cháu sực tỉnh, trở về hiện tại, bà nội  lau nước mắt, ngoắt má lại gần, nghẹn ngào:


-"Vợ Út Vinh đừng buồn giận mẹ nghe con, tại mẹ cạn nghĩ, nghe lời xúc xiểm của Hai Viên mà đưa con về trút gánh nặng cho ba má con, làm gãy đổ tình thân, vợ chồng chia cách, dâu của mẹ phải cực khổ trăm bề, ba chồng con lúc sanh tiền đã rầy rà mẹ biết bao nhiêu, ông cứ băn khoăn, lo lắng cho vợ Vinh hoài không lúc nào quên, cho đến trước khi mất còn dặn lại phải tìm kiếm con về đây, nhưng rồi thời cuộc loạn lạc, lớp gia đình, điền sản tiêu tán, thằng chồng bây lại đi biền biệt mấy năm trời, mẹ rối rắm không biết làm sao cho trong nhà trong cửa yên bề, phần tới lúc Gia Mỹ, Gia Hương thành gia thất mẹ phải chu toàn bổn phận cha mẹ. Mẹ xin lỗi con dâu, con  hãy tha lỗi cho mẹ.


Nghe mẹ chồng mình hạ mình xin tha thứ như vậy, Mầu hết sức cảm động, càng khóc lớn và thổn thức nói:


-"Con không hề giận cha mẹ, mẹ không có lỗi gì cả, chỉ tại hoàn cảnh lúc xưa xảy ra như vậy, và con phải chịu thôi, bây giờ may cũng có chồng con thương yêu lo lắng cho ba mẹ con được hạnh phúc tròn vẹn, phận làm con là phải hiếu kính cha mẹ, đền đáp công sinh thành dưỡng dục, cha mẹ hai bên đều bằng nhau chúng con đều phải hiếu thảo.


Ba tôi cũng không ngăn được sự xúc cảm nói với bà nội:


-"Từ nay vợ chồng con và các cháu sẽ cùng chăm lo phụng dưỡng cho mẹ, mẹ cứ yên tâm đi".


Nét mặt bà nội tôi lúc này như giãn ra, thanh thản và vui vẻ:


-"Mẹ cám ơn các con, cháu hết thảy, thôi bây giờ mấy đứa ra nhà sau rửa mặt nghỉ ngơi thay đồ ngắn trong nhà đi. À, sẵn đây mẹ nhờ vợ Út Vinh xuống nhà ngang sắp xếp lễ kiêng thường, và đám giỗ của ba con ngày mai với đám người làm nghe con.  Mẹ đã cắt đặt Hai Viên đi chợ hôm qua rồi, nhưng con xem còn thiếu thốn  gì, thì cho mẹ hay biết nghe. Nói xong bà quay vào buồng nằm nghỉ.


Má tôi dạ tiếng nhỏ rồi bước liền xuống nhà sau, ba tôi cũng dợm đi theo nhưng tôi đã kịp níu tay ông lại nhõng nhẽo đòi ông dắt đi thăm vườn tược của ông bà nội.


Lòng tôi lúc nầy lâng lâng  một nỗi niềm khó tả, nửa vui, nửa lao xao thương cảm, thương má tôi nửa  đời tuổi xuân lận đận, khó nhọc, còn vui vì mình đã tìm lại được tình thân tộc. Cô Hai Viên gặp lại ba má tôi trong sự hối hận về cách đối xử với em ruột vì ganh tị, hẹp hòi, nhưng ba má đều bỏ qua hết mọi việc hồi xa xưa cho gia đình vui vẻ sum họp.


Và cách mấy hôm trước, tôi lại nghe ba má ngồi bên nhau nói chuyện về việc bà ngoại nhắn tin cho hai ông bà về Thới Trung Hốc Môn sau bao năm tháng lìa bỏ quê hương của người con gái xinh đẹp một thời "Mười tám thôn vườn trầu".


Má tôi hẳn vui mừng lắm, vì từ ngày đó, bà như trẻ lại, không còn nỗi buồn phảng phất trên gương  mặt, và tôi cũng vậy, tôi vui mừng vì được về QUÊ NỘI, nhận họ hàng thân thuộc, vui cùng niềm vui của cha mẹ thân yêu ./.


HOÀI LY

( Bài do CH Nguyễn Ngọc Tuấn K3 chuyển)


VĂN 1.png

VĂN THƠ NHẠC

bottom of page