VĂN
NGÔ BÁ PHƯỚC
Những ngày cuối tháng 4/75 sinh hoạt tại Học Viện CSQG thật căng thẳng. Tình hình thật bất lợi cho miền Nam Việt Nam. Quân Lực VNCH rút dần, co cụm về Quân đoàn III và chung quanh Sài Gòn.
Từ đồi Tăng Nhơn Phú, nơi Học Viện tọa lạc, nhìn ra xa lộ Sàigòn – Biên Hòa, Sĩ quan Học Viện và các Sinh viên Sĩ quan đang thụ huấn thấy từng đoàn quân xa và các xe dân sự nối nhau hướng về phía Nam. Xa xa, phi trường Biên Hòa bị pháo kích và các trực thăng, chiến đấu cơ của Không Quân VNCH phải bay đi nơi khác. Dọc theo xa lộ, các nút chặn bằng thùng “phuy” đựng cát do Nghĩa Quân quận Thủ Đức thiết lập và trấn giữ. Sĩ quan, nhân viên Học Viện và Sinh viên Sĩ quan được lệnh sẵn sàng tác chiến.
Đêm 29 rạng 30/4/75 Học Viện mất liên lạc vô tuyến với Chi Khu Thủ Đức. Cầu Rạch Chiếc trên xa lộ Biên Hòa bị đánh phá. Liên lạc máy PRC-25 với Biệt Khu Thủ Đô và Yếu Khu Tăng Nhơn Phú còn giữ được. Liên lạc với Bộ Tư Lệnh CSQG thì Đại Tá P.K.Q. chỉ hỏi tình hình tổng quát, khuyên cố gắng giữ vững vị trí chờ lệnh.
6g30 phút sáng ngày 30/4/75 loạt đạn đầu tiên của chiến xa cộng quân bắt đầu nổ, phá hủy các cao điểm bố trí đại liên 30, 50 của Học Viện tại xạ trường. Các trụ “ăng ten” chính bị bắn gãy phải dựng các “ăng ten” phụ để liên lạc. Tiểu Đoàn III (SVSQ) quan sát tình hình báo cáo rất nhiều xe tăng và xe vận tải phủ lá ngụy trang với màu cờ xanh đỏ của cộng quân chạy nhanh về hướng Sàigòn. Chỉ có khoảng 4 chiếc tăng T-54 chạy tới lui và bắn về phía Học Viện ở hướng Bắc khiến các dãy lầu K và L bị hư hại khá nặng. Đại Giảng Đường cũng bị trúng đạn nhiều chỗ.
Phía phòng thủ của Học Viện gồm Đại Đội Phòng Vệ, các Sĩ quan và nhân viên trực, 3 Tiểu Đoàn I, II và III gồm khoảng 800 SVSQ và 100 Sĩ quan các nơi về thụ huấn đã được huấn luyện trước nên đã sẵn sàng tại các vị trí phòng thủ chung quanh Học Viện. Sau giây phút giao động ban đầu, các Sĩ quan Liên Đoàn Sinh Viên và Đại Đội Phòng Vệ đã bám sát thuộc cấp để nâng cao tinh thần chiến đấu của anh em.
Sĩ quan truyền tin Học Viện liên lạc Phòng Hành Quân Biệt Khu Thủ Đô để xin yểm trợ thì được yêu cầu cố gắng giữ vững vị trí. Liên lạc Yếu Khu Tăng Nhơn Phú để xin yểm trợ pháo binh, bắn rải dọc trên xa lộ đối diện Học Viện để khóa họng các chiến xa cộng quân đang bắn phá. Khoảng 8 giờ sáng, Đại úy Đặng Cao Quyền báo cáo, một xe tăng địch bị trúng đạn cháy ngoài xa lộ, các xe tăng khác của cộng quân hoảng loạn tràn xuống ruộng vừa tiến về hướng “lò sỏi” giữa Học Viện và Trường Bộ Binh Thủ Đức.
Sinh viên Sĩ quan nhìn cảnh xe tăng địch bị cháy lên tinh thần la hét rầm rĩ và giữ chặt tay súng sẵn sàng chiến đấu.
Khoảng 8g30, toán chiến xa địch chuyển hỏa lực về phía Trường Bộ Binh Thủ Đức, nơi bố trí pháo binh 105 ly và các chiến xa từ Trường Thiết Giáp Long Thành rút về. Tiếng bánh xe sắt cắn nát sỏi đá nghe rợn người. Có 4 chiến xa cộng quân đã được nhận diện, các chiến sĩ Phòng Vệ và SVSQ Học Viện được giao nhiệm vụ sử dụng vũ khí chống chiến xa từ trước được lệnh vào vị trí, chờ chiến xa địch lọt vào tầm bắn mới khai hỏa. Lúc này mục tiêu tấn công của chiến xa địch chuyển về phía Trường Bộ Binh nên Học Viện ít bị đạn pháo. Một chiếc xe tăng địch bị Trường Bộ Binh bắn đứt xích tại Niệm Phật Đường Chợ Nhỏ nhưng vẫn ngoan cố nhả đạn liên hồi cho đến khi bị cảm tử quân Trường Bộ Binh dùng lựu đạn lân tinh tiêu diệt.
Tiếng đạn chấm dứt, Sinh Viên và Phòng Vệ Học Viện được lệnh củng cố hàng ngũ, sẵn sàng phản kích đợt tấn công kế tiếp của cộng quân. Một nhân viên Phòng Vệ và một SVSQ bị thương được di chuyển về phía trong chăm sóc.
10g30 sáng 30/4/75, qua Đài Phát Thanh, Tổng Thống Dương Văn Minh ra lệnh buông súng sẵn sàng bàn giao. Mọi người đều ngơ ngác. Sĩ quan, Sinh viên nhốn nháo chờ lệnh. Một số ôm mặt khóc nức nở.
Rồi tất cả cởi bỏ quân phục, vứt súng đạn lại, lủi thủi đi bộ ra hướng xa lộ tìm phương tiện về nhà chứ không để bị địch bắt làm tù binh.
Phút cuối cùng của một đơn vị còn giữ được tay súng, tôn trọng kỷ luật, cương quyết chiến đấu và đã không hổ thẹn tự rã ngũ.
Mẹ Học Viện vẫn giữ được tinh thần “Kỷ Luật – Danh Dự” đến phút cuối cùng.
NGÔ BÁ PHƯỚC
CỰU LIÊN ĐOÀN TRƯƠNHR LĐSV-HVCSQG (1975)
VĂN THƠ NHẠC