VĂN
ĐÌNH ĐẠI
Người đàn ông mệt mỏi ngồi xuống ghế. Một bên mắt cứ nhấp nháy rồi sụp xuống. Ông nói chậm rãi một cách khó khăn bằng một chất giọng hơi nặng với âm “r” đặc thù của những ngôn ngữ thuộc Đông Âu. Ông ái ngại, rụt rè nói “tôi cần giúp đỡ! Tôi rất xấu hổ nhưng tôi không còn cách nào khác! Nếu tôi không trả tiền điện thì họ sẽ cúp điện! Mà ông biết đó mấy ngày nay trời lạnh quá chừng! Ông xem nè, tay tôi lạnh cóng cả đây! Bọn tôi không dám bật lò sưởi! Chỉ biết mặc thêm nhiều áo!”
Tôi vội trấn an ông! “Oh tôi rất hiểu! Với tình hình hiện tại, chúng tôi càng ngày càng có nhiều trường hợp như gia đình ông! Giá điện tăng cao cùng với mọi thứ nhu yếu phẩm. Chúng tôi cố gắng với tất cả khả năng để giúp đỡ cư dân của quận. Ông yên tâm! Tôi sẽ xem giấy tờ rồi sẽ làm mọi thủ tục cần thiết để giúp ông. Xin ông cho tôi biết tên họ để tôi tìm xem chúng tôi đã có thông tin về gia đình của ông chưa”.
- Tôi đã tìm thấy hồ sơ của ông. Ông hiện nay 72 tuổi, sống cùng vợ và cách đây 3 năm ông có hai trợ cấp của thành phố nhưng sau đó thì không thấy ông tiếp tục xin trợ cấp”
-Vâng! Đúng vậy! Tôi bị tai biến và vợ tôi phải lo tất cả thủ tục hành chính. Bà ấy cũng đã 70, bất đắc dĩ phải lo mấy thứ giấy tờ này. Bả không hề thấy thoải mái với mấy thứ thủ tục rắc rối này. Bây giờ tôi đỡ hơn một tí nên tôi bắt đầu làm lại mọi thủ tục.” Ông trả lời một cách khó nhọc nhưng có vẻ đỡ căng thẳng hơn lúc ông mới đến.
- Vâng! Tôi xem sơ qua thì thu nhập của ông bà nằm dưới ngưỡng tiền già tối thiểu, vậy ông nên bắt đầu làm thủ tục xin trợ cấp. Thời gian cứu xét sẽ khá lâu, ít nhất là 6 tháng. Trong khi chờ đợi, năm đầu tiên thành phố sẽ giúp cho ông bà chừng 200€ mỗi tháng và sẽ tiếp tục một khi ông bà hưởng được Thu nhập tối thiểu dành cho người cao tuổi. Nếu ông gặp khó khăn để làm thủ tục, tôi sẽ cho ông cái hẹn với đồng nghiệp để giúp ông”
-Oh! Tôi xin cảm ơn ông! Nếu được vậy thì tốt quá! Thú thật với ông là tôi phải cố gắng lắm. Vì kể từ khi bị tai biến, mặc dù tôi cố gắng làm tất cả nhưng thú thật là có những giới hạn mà mình không thể nào vượt qua được. Nhưng dù sao thì tôi phải thật sự cảm ơn nước Pháp. Ông biết đó chúng tôi đã phải chạy tị nạn sang đây. Chúng tôi là người Ba Lan. Nếu ông không ngại tôi xin chia sẻ với ông một chút ít về lý do vì sao chúng tôi lại ở đây.”
Thấy ông nói chuyện có vẻ cởi mở hơn và nhân lúc không có nhiều người đến làm thủ tục nên tôi đồng ý. Vả lại tôi cũng rất thích nghe truyện kể về kinh nghiệm của người khác. Làm việc trong lĩnh vực cứu tế, tôi có dịp được người ta chia sẻ nhiều câu chuyện rất cảm động. Những câu chuyện đến từ kính nghiệp thật sự của cuộc đời ai đó luôn là những bài học đắt giá giúp cho chúng ta thấu hiểu hơn về cuộc đời.
Ông kể:
- Sau Thế Chiến thứ 2, toàn bộ Đất Nước Ba Lan của chúng tôi bị người Nga, lúc bấy giờ là Liên Bang Xô Viết, thống trị. Ba tôi là một nhà yêu nước. Ông từng tham chiến chống phát-xít Đức và được gắn huân chương cao quý nhờ sự gan dạ của mình. Đơn vị mà ông chỉ huy đã tiêu diệt 6 chiến xa của Đức quốc xã bằng mìn. Sau chiến tranh, người Nga cộng sản đem cả chục ngàn sĩ quan, nhân viên hành chính sang Ba-lan để nắm giữ mọi vị trí quan trọng. Ba tôi lại tiếp tục chiến đấu chống cộng sản Nga và ông đã thất bại rồi bị họ xử bắn. Chúng tôi trở thành con cái của thành phần chống đối chế độ. Chúng tôi không được học hành và không làm gì được hết. Ông biết đó Ba-lan liên tục bị bách hại và hàng triệu người Ba-lan bị Đức quốc xã rồi cộng sản Nga giết hại. Nhờ Đức Giáo Hoàng Joan Phao-lô đệ Nhị và nhờ vào phong trào nổi dậy của công đoàn độc lập Solidarnosc mà Ba-lan đã có thể thay đổi từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Tôi cũng có mặt trong phong trào đó. Tôi bị bắt rồi sau đó tôi trốn được sang Pháp. Tôi ở Paris kể từ đó đến nay. Tôi thật sự biết ơn nước Pháp. Tôi rất thích tinh thần cộng hòa của người Pháp. Bác ái là có thật. Người Pháp đã đón nhận và cưu mang gia đình tôi như chính những người anh em của mình mặc dầu tôi là người Ba-lan và tôi chỉ dành hết cả tuổi trẻ của mình để tranh đấu cho Ba-lan.
Tôi ngồi nghe ông kể mà không khỏi bùi ngùi xúc động cho câu chuyện của cuộc đời ông và của Đất Nước Ba-lan. Có một sự đồng cảm nào đó rất lớn nảy nở trong tôi khi tôi cảm nhận thấy thấp thoáng đâu đó trong câu chuyện của ông cũng chính là câu chuyện của những người Việt đấu tranh chống độc tài cộng sản Việt Nam. Bài học giải độc cộng sản của Ba-lan luôn là một mô hình dành cho những nhà tranh đấu. Người ta xem xét mọi khía cạnh của kinh nghiệm Ba-lan để tìm ra một phương thức thích ứng cho tình hình của đất nước mình. Đọc lịch sử cận đại của Ba-lan, tôi không khỏi thán phục tinh thần đấu tranh mãnh liệt của người Ba-lan. Đất nước Ba-lan phải chịu nghịch cảnh nghiệt ngã dưới gót giầy của những chế độ dã man nhất nhân loại. Nhưng họ vẫn mạnh mẽ vươn lên, vẫn khẳng định khát vọng độc lập, tự do của mình.
Tôi hỏi ông:
- Ba-lan đã thoát được ách cộng sản và dần được dân chủ hoá, vậy chắc hẳn ông đã rất hạnh phúc và mừng cho quê hương của ông.
- Đúng vậy! Tôi thật mừng cho Ba-lan. Nhưng tôi nghiệm thấy là con đường đi đến dân chủ thật là chông gai. Ba-lan đã thay đổi rất nhiều kể từ 30 năm qua, nhưng giờ đây Ba-lan đang có dấu hiệu thụt lùi về mặt dân chủ. Nhưng có lẽ đó là thử thách tất yếu mà người Ba-lan phải trải qua để xây dựng nền Dân chủ cho chính mình. Tôi cũng đã già và cũng đã trở thành công dân Pháp. Tuy cuộc sống có nhiều khó khăn nhưng tôi không khỏi cảm ơn đất nước này đã cưu mang tôi. Xin cảm ơn ông đã lắng nghe câu truyện của tôi. Cũng đã lâu rồi tôi không còn nhắc về quá khứ nữa.
Tôi vội đỡ lời ông:
- Ồ! Tôi cũng xin cảm ơn ông đã chia sẻ về câu chuyện của ông.
Câu chuyện của quê hương tôi tương tự như đất nước Ba-lan của ông vậy. Cho nên tôi rất hiểu những gì ông kể. Chỉ có điều là Đất nước tôi vẫn chưa được giải độc cộng sản, vẫn chưa đặt được những viên gạch đầu tiên cho nền Dân chủ. Chúng tôi vẫn loay hoay với một chế độ lỗi thời, không giống ai. Dù sao tôi cũng xin chúc mừng ông, vì ông và Cha ông đã không phải hy sinh tuổi thanh xuân một cách vô ích. Con đường của chúng tôi còn xa lắm lắm so với quê hương Ba-lan của ông.
Để kết thúc buổi nói chuyện, tôi xin trở lại với những trợ cấp mà chúng tôi có thể giúp ông. Đó là xin trợ cấp lương hưu tối thiểu, xin trợ cấp phụ trội của thành phố Paris, xin trợ cấp đặc biệt của tỉnh để giúp ông trả tiền điện. Ông yên tâm là sở Điện Lực EDF đã bỏ việc cắt điện nhất là vào những mùa lạnh, họ chỉ giảm nguồn điện nhưng cũng đã rất khó khăn vì ông sẽ chỉ có thể bật đèn và sạc điện thoại. Nhưng tôi hy vọng là ông sẽ nhận được trợ cấp của tỉnh với mức lương hưu của ông. Ngoài ra chúng tôi còn có thể xin thêm trợ cấp phụ trội của thành phố giúp ông tiền nhà. Với hoàn cảnh của ông hiện nay, giá thuê nhà của ông chiếm đến 70% mức thu nhập, ông bà không thể kéo dài tình trạng này vì trước sau gì ông bà cũng sẽ gặp khó khăn. Cho nên chúng tôi sẽ làm thủ tục xin nhà dành cho cư dân Paris về hưu. Tuy là sẽ không phải ngày một ngày mai ông bà sẽ có kết quả nhưng nếu không làm thủ tục thì sẽ chẳng bao giờ ông bà có thể có được nhà giá rẻ.
Ngoài ra với tình hình sức khỏe của ông, ông bà có thể đăng ký thẻ ăn trong các nhà hàng của thành phố dành cho người cao tuổi. Giá chỉ hơn 3€ cho buổi trưa mà ăn uống được bổ dưỡng. Sau khi chia tay với tôi, ông có thể sang văn phòng Giải trí du lịch để hỏi xem có vé đi xem kịch, xem hát hay du lịch không. Như vậy ông bà sẽ có chút giải trí.
- Ồ! Xin cảm ơn sự chỉ dẫn của ông. Tôi không biết là thành phố Paris lại có nhiều chính sách hay đến thế dành cho người cao niên. Tôi rất vui được gặp ông và xin chúc ông một năm mới an lành.
- Không có gì đâu ông. Đây là công việc của chúng tôi. Ông nói đúng là thành phố Paris có rất nhiều sáng kiến và nổ lực để trợ giúp cư dân của mình. Chúng tôi cũng cảm thấy vui và an tâm là tiền thuế của chúng ta được sử dụng một một cách hữu ích và minh bạch. Tôi cũng xin chúc ông bà nhiều may mắn và sức khỏe. Nếu có gì thắc mắc xin ông cứ trở lại, chúng tôi luôn sẵn lòng lắng nghe. Xin chào ông.
Paris, 12/01/2024
Đình Đại
VĂN THƠ NHẠC