top of page
Banner edge

TÂM TÌNH

TT CSVSQ-HD 1.png

TÂM TÌNH CỰU SVSQ & HẬU DUỆ

TT CSVSQ-HD 2.png
LAN LÊ (Dâu K1)

Tôi đã chuẩn bị tài liệu định viết một bài phân tích về bệnh trầm cảm thì xảy ra cái chết của em Kyle Huỳnh (năm 2014). Cái chết đã gây bàng hoàng cho trường Trung Học Bolsa Grande và học khu Graden Grove cùng với sự chấn động trong giới phụ huynh, học sinh và cộng đồng người Việt. Nay âm hưởng của cái chết vô cùng đáng tiếc đã lắng đọng. Nỗi đau đã nguôi dần để chúng ta trở lại tìm hiểu về các nguyên nhân, triệu chứng hầu ngăn chặn những hậu quả đau lòng có thể xảy ra. Chúng ta cũng cần tìm ra các phương hướng tích cực tạo cho con cháu mình niềm vui sống hầu tránh xa căn bệnh giết người thầm lặng này.



Trước hết, trầm cảm xảy ra khi một người bị rơi vào tình trạng tâm lý khủng hoảng của giận dữ, buồn sầu, chán nản, tuyệt vọng gây ra bởi vô số những vấn đề làm ảnh hưởng, chi phối đến sự cảm nhận, suy nghĩ và hành động của người đó.



Các nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm có thể được tìm thấy như sau:



    Những biến cố xảy ra trong cuộc đời: Sau những năm tháng dài chịu đựng những tai họa trong cuộc đời như chiến tranh, thiên tai, tai nạn, bị tra tấn, bạo hành thể xác, sinh lý, tâm lý đã để lại những dấu ấn kinh hoàng đưa đến trầm cảm.


  • Bị kỳ thị: Bị đối xử kỳ thị cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần. Con người cũng có thể bị kỳ thị về chủng tộc, giới tính, tôn giáo, tuổi tác, khuynh hướng chính trị hay ngay cả những gì bị cho là không giống với những người khác.

  • Bị mất mát: Nỗi đau thương của sự mất mát sau cái chết của người thân yêu, sự chấm dứt một mối liên hệ rất thân mật, hay phải rời xa những người quá thương yêu cũng sẽ là nguyên nhân của trầm cảm.

  • Nỗi cô đơn: Sự cô đơn không đơn thuần là việc mất đi người thân yêu mà còn xảy đến khi con người tự cô lập mình vì không tìm ra được sự thông cảm, nâng đỡ, quan tâm của người chung quanh.

  • Những căn bệnh thể lý: Một người khi mắc phải các căn bệnh lâu dài như tiểu đường, hen suyễn, ung thư v..v… thường rất dễ bị rơi vào trầm cảm.

Nhưng những nguyên nhân dưới đây đặc biệt thường tìm thấy ở lứa tuổi thanh thiếu niên:

  • Thiếu tự tin và mặc cảm về nhân dáng của mình: Những cảm giác này nếu để xảy ra sâu đậm sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đế sức khỏe thể lý và tâm thần của các em.

  • Nghiện ma túy và rượu bia: Rượu và nhất là ma túy thường đem lại cho các người trẻ cảm giác bất an, trống rỗng, kiệt quệ về sức lực và ý chí. Gây ảnh hưởng tai hại đến quan hệ gia đình, học đường và xã hội.

  • Bị bắt nạt: Hiện tượng bị bắt nạt xảy ra tại nhiều nơi: tại các trường tiểu học và nhất là ở bậc trung học ngay cả đại học, nơi làm việc, hoặc trong các lãnh vực thể thao, nghệ thuật v…v… Có rất nhiều hình thái bắt nạt: về ngôn ngữ, thể lý, tâm lý, xã hội (social bullying), và trên các trang mạng (cyber bullying). Người bị bắt nạt sẽ bị những kinh nghiệm đau thương của sự sợ hãi, rất tự ty đi đến căm phẫn, uất hận, tuyệt vọng. Chúng ta đã có rất nhiều thông tin về nhiều vụ tự tử của các nạn nhân đa số là thanh thiếu niên bị bắt nạt, bêu xấu xảy ra trong trường học và nhất là trên các trang mạng xã hội.


Sau đây là các dấu hiệu để nhận biết, phát hiện các dấu hiệu trầm cảm đang hình thành nơi các thanh thiếu niên. Không giống như người lớn với kinh nghiêm sống và từng trải nên có thể tự tìm lối thoát cho mình hoặc tìm ra được sự trợ giúp bên ngoài. Các em thanh thiếu niên luôn luôn cần đến cha me, người thân, thày cô giáo, ngay cả bạn bè nhận ra được những đau khổ, dằn vặt để nhận được sự giúp đỡ cần thiết. Cho nên khi các phụ huynh có con cháu trong độ tuổi mới lớn, điều cần thiết là nên tìm hiểu thế nào là trầm cảm và bạn cần làm gì khi phát hiện những dấu hiệu về sự xuất hiện của nó.


Các dấu hiệu của bệnh trầm cảm có thể là:

  •     Sự buồn chán, không còn hứng thú trong các sinh hoạt

  •     Tâm trạng thay đổi buồn vui bất thường.

  •     Cảm thấy vô dụng hay luôn cảm thấy ân hận.

  •     Dễ xúc động, hay khóc một mình.

  •     Mệt mỏi, không còn năng lực hoạt động.

  •     Thay đổi thói quen ăn uống hay giấc ngủ.

  •     Học tập sa sút, khó khăn khi tập trung.

  •     Xa lánh bạn bè, gia đình, từ chối tham gia các sinh hoạt chung.

  •     Than phiền về các cơn đau nhức vô cớ.

  •     Bực tức, dễ nổi giận, bứt rứt, căm phẫn, bạo động.

Tuy nhiên, cũng có phụ huynh sẽ đặt câu hỏi về việc tăng trưởng các kích thích tố ở tuổi dậy thì cũng thường thấy các triệu chứng thay đổi tâm lý xảy ra nơi trẻ mới lớn. Để phân biệt các thay đổi tâm lý bình thường ở tuổi dậy thì với các triệu chứng trầm cảm, phụ huynh cần đặt câu hỏi về thời gian kéo dài trong bao lâu cũng như mức độ ngày càng trầm trọng của các thay đổi này.


Vì vậy phụ huynh cần lưu ý quan sát khi phát hiện các dấu hiệu sẽ có nguy cơ xảy ra tự tử như sau:

  • Nói chuyện hay nói đùa về việc tự tử. Chẳng hạn:”Ước gì tôi biến mất khỏi thế giới này!”;”Chết đi chắc là vui hơn!”; Mình chả làm được cái tích sự gì! Chết đi cho rồi!”; “ Cuộc sống này có gì vui đâu!”

  • Có ảo tưởng, lãng mạng hóa về cái chết:”Nếu mình chết đi, chắc mọi người sẽ chấn động, thương tiếc lắm!”

  • Viết truyện, làm thơ, viết thư đề cập đến hay diễn tả cái chết.

  •     Phân phát, cho tặng các vật sở hữu thân thiết.

  • Tìm hiểu các phương pháp tự tử hay cất giấu các dụng cụ gây cái chết: thuốc, dao, súng, thậm chí cả các loại dây dùng để treo cổ.

  • Tìm cách từ giã bạn bè, người thân.

  • Đột ngột trở nên lầm lì, ít nói, cô lập.

XIN ĐỪNG XEM THƯỜNG CÁC DẤU HIỆU TRÊN HAY BẤT CỨ DẤU HIỆU NÀO BẤT THƯỜNG NƠI CON CHÁU!



Bằng sự săn sóc tận tâm, quan tâm đúng mức chúng ta sẽ phát hiện ngay những dấu hiệu khác lạ để kịp thời cứu lấy mạng sống vô cùng quý giá cho các cháu.



Và đây là những phương cách hay “nghệ thuật” nói chuyện, tiếp cận để đối phó với bệnh trầm cảm:



    Tập trung lắng nghe các cháu tâm sự, không diễn thuyết hay phê phán. Bạn có thể mở đầu bằng việc đề cập sự quan tâm về những nhận xét gây lo lắng mà bạn đã nhận ra ở nơi con. Và rằng bạn sẵn sàng cho con bất cứ sự hỗ trợ cần thiết nào.


    Nhẹ nhàng nhưng cương quyết và nhẫn nại: Đừng bỏ cuộc nếu con từ chối ngay lúc đầu vì có thể chúng còn đang hoang mang, sợ hãi.


    Tin vào linh cảm của mình: Với con cái, chúng ta – nhất là các bà mẹ – thường có những linh cảm, trực giác rất bén nhạy đối với núm ruột của mình. Khi cảm thấy có cái gì đó khác thường, không ổn nơi con cái. Cho dù chúng vẫn không chịu thổ lộ hay gạt đi. Bạn hãy đi tìm sự hỗ trợ của một người thứ ba. Đó có thể là người cố vấn học đường, chuyên gia tâm lý, thày cô giáo hay bạn bè, người thân.


Nhưng hữu hiệu nhất vẫn là phương pháp “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Xin gửi các bạn một câu truyện cảm động có thật, liên quan đến bệnh trầm cảm xảy ra tại nước Đức.


Bé trai Derby chín tuổi là một cậu bé bị bỏ rơi và lớn lên trong một cô nhi viện. Cậu rất ao ước có ngày gặp được mẹ của mình. Ngày kia Derby được nghe thày giáo kể chuyện về một vị hoàng đế thích chơi cờ. Ông sẽ ban thưởng cho ai nghĩ ra cách chơi cờ hay nhất. Người dự thi kể chuyện và đòi phần thưởng bằng những hạt gạo. Tại ô thứ nhất anh ta đặt 1 hạt gạo; ô thứ hai 1×2; ô thứ ba 2×3; ô thứ tư 6×4; ô thứ năm 24×5. Với cách tính như vậy khi anh bỏ đầy các ô của bàn cờ thì số hạt gạo sẽ lên đến 18 triệu tỷ hạt gạo.


Câu chuyện này khiến mắt Derby sáng lên. Cậu nghĩ nếu mình giúp một người nào đó và yêu cầu người đó trả ơn bằng cách giúp cho 10 người khác thì hy vọng một ngày nào đó người được giúp sẽ có thể là mẹ của mình. Việc làm tốt lành đó được tiếp tục nhân lên thi hành bắt đầu từ Derby. Cứ như vậy người dân thành phố đã cùng nhau thực hiện công trình tử tế đó.


Vào lúc đó, Rick là một người dẫn chương trình nổi tiếng của một đài truyền hình tại Đức. Các chương trình của ông gần như đều vạch trần các bí mật của nhiều nhân vật nổi tiếng. Do áp lực từ công việc ông bị rơi vào bệnh trầm cảm và phải xin nghỉ để chữa bệnh. Tới thành phố Derby đang ở, một hôm đang đi dạo bên bờ sông Rhine, Rick bị ngất xỉu do một cơn đau tim. Ông được Derby phát hiện và gọi xe cấp cứu kịp lúc. Ông tỏ ý muốn đền ơn cậu bé bằng tiền. Nhưng Derby nhất định từ chối và chỉ xin có một yêu cầu:”Xin ông trả ơn cháu bằng cách làm 10 việc tốt cho 10 người khác ạ!” Từ đó Rick bắt đầu chuyên chú vào việc giúp đỡ người khác. Mỗi lần thực hiện được điều này, ông cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn. Chưa đến hết nửa kỳ nghỉ phép, ông đã xin trở lại làm việc và trở nên vui tươi, lạc quan và hăng hái làm việc hơn trước.


Câu chuyện này cho ta thấy niềm vui thật sự đến khi chúng ta đem lại niềm vui cho người khác. Nền giáo dục tại Hoa Kỳ rất thành công trong việc đào tạo những nhân tài trong các lãnh vực khoa học và kỹ thuật. Nhưng không hẳn là một mẫu mực hoàn hảo. Làm cha mẹ chúng ta phải khôn khéo cân bằng cho con cái tiếp thu kiến thức khoa học hài hòa với những giá trị tinh thần đạo đức. Gia đình cần phải là một nơi trong đó các cháu cảm thấy được săn sóc, bảo vệ; được học các bài học yêu thương bằng chính tình yêu thương của cha mẹ. Niềm vui mà cha mẹ đem đến cho các cháu không phải chỉ là những món quà đắt tiên nhưng chóng chán mà là niềm vui tìm thấy trong sự giao tiếp với mọi người từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội.


Cũng xin nói thêm là săn sóc không có nghĩa là nuông chiều, làm ngơ với những thói hư tật xấu của con trong cách ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí. Hay là tạo cho con nếp sống ỷ lại vào cha mẹ như những thân cây leo.  Cũng không phải là sự gò ép con trong học tập hay bắt tuân theo những định hướng nghề nghiệp khiến con bị o ép, sống mòn. Danh vọng, tiền bạc lắm khi lại là cái giá phải trả cho niềm vui hạnh phúc.


Một trái tim vui thật là một trái tim được yêu, biết yêu và chia xẻ. Một trái tim vui, tự tin, năng động sẽ không còn có chỗ cho sự trống rỗng, trầm cảm.


LAN LÊ


bottom of page