TÂM TÌNH
TÂM TÌNH CỰU SVSQ & HẬU DUỆ
TOÀN NHƯ
Tình cờ tôi mua được cuốn sách “Sài Gòn Tạp Pín Lù” ‘on sale’ của tác giả Vương Hồng Sển ở một quầy bán sách báo. Cuốn sách có cái tựa khá lạ cộng thêm cái tên tác giả cũng nổi tiếng nên đã làm tôi tò mò muốn xem nó viết gì trong đó. Thế là tôi đã mua nó với cái giá chưa tới 10 đô la. Sách này xuất bản ở trong nước đã khá lâu, từ năm 1992, nhưng bản mà tôi có, mới tái bản năm 2005.
Cái tên Vương Hồng Sển tôi đã nghe biết từ lâu, từ trước năm 1975; nhưng tôi chỉ biết đại khái ông là một học giả đồng thời cũng là một nhà sưu tầm đồ cổ nổi tiếng ở miền Nam. Ông đã có một số sách đã xuất bản nhưng thú thật tôi cũng chỉ nghe danh chứ chưa có dịp đọc. Vì vậy, khi thấy cái tên tác giả là Vương Hồng Sển thì tôi cũng háo hức muốn đọc xem ông viết cái gì trong đó mà ông lại nói là “Sàigòn tạp pín lù”. Tôi nghĩ chắc là ông viết đủ thứ hầm bà lằng về Sài Gòn, thế nên mình cũng nên đọc để tìm hiểu và nhớ về một nơi chốn mà mình đã từng sống và làm việc ở đó.
Nhờ đọc cuốn sách này nay tôi mới biết thêm, Vương Hồng Sển còn có nhiều bút hiệu khác như Anh Vương, Vân Đường, và Đạt Cổ Trai. Ông sinh ngày 27 tháng 9, 1902, tại Sóc Trăng. Ông là người Việt gốc Minh hương (gốc Hoa), mang trong người tới ba dòng máu Việt, Hoa, và Khmer. Ông đáng lẽ có tên là Vương Hồng Thạnh hay Vương Hồng Thịnh, nhưng khi đi làm giấy khai sinh người giữ sổ lục bộ lại nghi nhầm là Sển theo cách phát âm tiếng Triều Châu, quê hương gốc của dòng họ ông, nên ông mới có tên là Vương Hồng Sển. Ông từng theo học tại trường trung học Chasseloup Laubat [sau này đổi tên là Jean Jacque Rousseau, và sau cùng là trường trung học Lê Quý Đôn (thời VNCH và sau 1975)]. Sau khi đậu bằng Brevet Elémentaire (tương đương Trung học đệ I cấp), ông làm công chức ngạch thư ký và phục vụ nhiều nơi từ năm 1923 đến năm 1943, trong đó có dinh Thống đốc Nam Kỳ (1939-1943). Từ năm 1948, ông làm Quyền quản thủ rồi Giám Đốc Viện Bảo Tàng Quốc Gia VNCH tại Sài Gòn cho đến khi về hưu vào năm 1964. Ông mất tại Sài Gòn năm 1996, thọ 94 tuổi.
Sự nghiệp văn học của ông Vương Hồng Sển cũng khá đồ sộ với hàng chục tác phẩm đã xuất bản trước và sau năm 1975, trong số đó có một số sách khá nổi tiếng như Thú Chơi Sách (1960), Sài Gòn Năm Xưa (Tập I, II – 1960; III – 1992), Hồi Ký 50 Năm Mê Hát (1968), Thú Chơi Cổ Ngoạn (1971), Hơn Nửa Đời Hư (1992), …
Trở lại cuốn sách “Sài Gòn Tạp Pín Lù” phải nói lúc đầu khi có sách tôi rất háo hức muốn đọc ngay để xem ông viết những gì về Sài Gòn, nhất là để mong tìm lại những hình ảnh về một Sài Gòn xưa mà tôi chưa biết. Với một giọng văn bình dân của một người miền Nam, Vương Hồng Sển đã viết “Sài Gòn Tạp Pín Lù” như một người kể chuyện nói lan man chuyện này qua chuyện nọ chẳng có một thứ tự nào như chính ông đã thú nhận. Ông tự bạch, những chuyện ông kể về “Sài Gòn Năm Xưa” ông viết theo kiểu ‘vô hà trật tự” nên nó lộn xộn, nhớ đâu viết đó, không theo một thứ tự lớp lang nào. Chính vì vậy, nên ông đặt tên cho nó là ‘Sàigòn tạp pín lù’, hay nôm na, theo ông, là “Sài Gòn thập cẩm, Sài Gòn tào lao, Sài Gòn ba lăng nhăng, ai muốn hiểu sao cũng được”.
Thực ra “Sài Gòn Tạp Pín Lù” không chỉ ‘vô hà trật tự’ mà còn lẩm cẩm và lủng củng nữa. Vì ‘vô hà trật tự’ nên nhiều ý tứ tác gỉa cứ lập đi lập lại, chẳng có đầu có đuôi gì cả. Tôi đã rất thất vọng khi đọc cuốn sách. Có thể ông viết cuốn sách này khi ông tuổi đã cao nên có phần nào lẩm cẩm. Sách được xuất bản lần đầu năm 1992, lúc đó ông Vương Hồng Sển đã là một ông già gần 90 tuổi rồi nên việc ông có lẩm cẩm, viết lách “vô hà trật tự” thì cũng là điều dễ hiểu. Nhà xuất bản đã in sách của ông chẳng qua chỉ vì cái tên Vương Hồng Sển đã nổi tiếng, nhiều người biết đến.
Về nội dung, sách “Sài Gòn Tạp Pín Lù” của Vương Hồng Sển được chia làm hai phần. Phần đầu là tự truyện của một phụ nữ lưu lạc ở Pháp kể lại chuyện đời mình bôn ba khắp chốn từ ở trong nước ra đến hải ngoại. Lồng trong câu chuyện là những chuyện tả về Sài Gòn năm xưa mà người phụ nữ này muốn đóng góp để bổ túc cho những tập sách ‘Sài Gòn Năm Xưa’ của ông đã xuất bản trước đó mà bà cho rằng còn thiếu sót. Phần sau là phần tác giả viết tiếp về “Sài Gòn Năm Xưa” coi như là tập III tiếp sau hai tập ông đã xuất bản trước đó. Như vậy, toàn bộ “Sài Gòn Tạp Pín Lù” chỉ là một sự tiếp nối về những tập sách “Sài Gòn Năm Xưa” của ông mà thôi.
Tôi chưa đọc những cuốn “Sài Gòn Năm Xưa” của Vương Hồng Sển nên không biết ông đã viết những gì trong những tập trước đó. Nhưng đọc qua “Sài Gòn Tạp Pín Lù” tôi nghĩ, có lẽ tôi cũng không cần tìm đọc những cuốn này làm chi them nữa. Mặc dù có tò mò với cái tên Vương Hồng Sển và cái tựa của cuốn sách nhưng tôi cũng chẳng mấy hứng thú đọc hết cuốn “Sài Gòn Tạp Pín Lù” của ông, một cuốn sách “tào lao” như ông đã tự nhận. Tôi lại càng bực mình hơn khi đọc tới những chỗ khi đề cập đến chế độ cũ Việt Nam Cộng Hòa ông luôn luôn viết một cách ‘sách mé’ đầy miệt thị là “đời Diệm đến đời Thiệu” hay “cái chế độ tiêu tùng ông Thiệu”; hoặc nhắc đến đồng tiền của VNCH thì ông gọi là “tiền Diệm”, “tiền Thiệu”. Khi đề cập đến những người Việt hải ngoại thì ông viết là “những người bỏ chạy”, “bọn bỏ chạy”; trong khi ông lại tâng bốc gọi bọn VC là “các bậc đàn anh vô đây giải phóng”,… Vậy thì đọc thêm nữa làm gì cho thêm bực mình.
Trong khi các văn thi sĩ, ký giả miền Nam sau 1975, hoặc bị bắt đi “cải tạo” vì tội làm “biệt kích cầm bút”, hoặc bị gác bút chỉ vì là người đã từng cầm bút dưới chế độ cũ, thì ông Vương Hồng Sển lại may mắn thoát được cảnh này; không những vậy, ông vẫn còn được cho viết và cho xuất bản (và tái bản) nhiều sách thì qủa là ông qúa được chế độ mới ưu ái nên ông mới nịnh bợ họ như thế.
Trong khi đó, nhìn vào tiểu sử của Vương Hồng Sển, người ta thấy ông là người được nuôi dưỡng lớn lên ở miền Nam và được chế độ miền Nam đãi ngộ khá ưu đãi so với tài năng. Học lực của ông chỉ có bằng Brevet Elémentaire, tức tương đương với Trung Học Đệ Nhất Cấp, vậy mà ông đã được cử giữ chức Quyền Quản Thủ rồi Giám Đốc Viện Bảo Tàng Quốc Gia suốt trong thời Đệ I Cộng Hoà cho đến khi ông về hưu năm 1964 (Nên nhớ, ông sinh năm 1902, như vậy ông đã được chế độ VNCH ưu ái lưu dụng ông thêm tới 7 năm (62 tuổi) sau khi đến tuổi về hưu theo qui định 55 tuổi). Như vậy không phải là ông quá được ưu đãi sao? Thế mà rất tiếc, sau 1975, ông đã sớm trở cờ xun xoe nịnh bợ những người chủ mới, còn mỗi khi nhắc đến chế độ cũ ông lại nhắc đến với một thái độ thiếu nghiêm túc. Tôi đã đọc đâu đó những lời phê phán ông là kẻ hợm hĩnh, kiêu căng, không chính trực; và nặng nề hơn, là kẻ phản bội và ăn cháo đá bát; nay qua cuốn sách này tôi mới thấy những lời chỉ trích đó không phải là vô căn cứ. Phải chăng Vương Hồng Sển gốc là một ông Tàu lai (người nước lạ), không phải là người Việt chính hiệu, đã có sẵn máu Đại Hán trong người, nên ông mới phản phúc và phách lối tự cao tự đại như vậy.
Không thể phủ nhận, nhờ vào những năm tháng làm công chức cao cấp của VNCH (Quyền Quản thủ Viện Bảo Tàng Quốc Gia) mà Vương Hồng Sển đã tạo dựng được một sự nghiệp văn chương và một ngôi nhà thuộc vào loại cổ ở quận Bình Thạnh / Thị Nghè, Sài Gòn. Trong ngôi nhà này có nhiều cổ vật quý hiếm. Không biết những cổ vật đó có nhờ vào chức quyền của ông mà có hay không? Theo đánh gía của các nhà chuyên môn, ngôi nhà và những cổ vật của ông có gía trị lên tới hàng triệu đô la (theo thời giá hiện nay). Trước khi chết, Vương Hồng Sển đã để lại di chúc hiến tặng ngôi nhà và toàn bộ cổ vật của ông cho nhà nước (CSVN) với yêu cầu dùng nó làm thành một viện bảo tàng mang tên ông. Thế nhưng, đến nay gần 20 năm đã trôi qua kể từ sau ngày ông mất (1996), viện bảo tàng mang tên ông vẫn không thấy hình thành. Nhà nước CSVN có lẽ thấy nó cũng chẳng mấy hấp dẫn du khách nên cũng chẳng mặn mòi với nó. Nghe nói nơi này hiện nay đang trở thành một nơi buôn bán cà phê và quán bán ốc, còn các cổ vật của ông thì nay đã bị thất tán gần hết (không biết trôi dạt về đâu). Thật tiếc là ông Vương Hồng Sển đã không còn sống trên cõi đời này để nhìn thấy những người mà ông trân quý gọi họ là “các bậc đàn anh vô đây giải phóng” của ông đã trân quý những di sản về văn hóa của ông như thế nào.
TOÀN NHƯ