top of page
Banner edge

WILLIAM WILSON - TOÀN NHƯ CHUYỂN NGỮ

Trong   chiến tranh VN, một mạng lưới bí mật và phức tạp của Việt Cộng đã từ   lâu tồn tại ở Việt Nam để cố chứng tỏ uy quyền của nó đối với dân chúng   qua sự khủng bố và đe dọa. Mạng lưới này được gọi là hạ tầng cơ sở  Việt  Cộng (HTCSVC) nhằm để cung cấp những sự kiểm soát và chỉ đạo chính  trị  cũng như quân sự của chúng tại các xã ấp.


Hạ tầng cơ sở Việt Cộng đã  cung cấp nơi ẩn náu cho các cán binh xâm nhập đến từ các mật khu ở biên  giới, nó cũng cung cấp những sự hướng dẫn  cùng những tin tức tình báo  cho các tân binh Bắc Việt vào Nam lần đầu  tiên; đồng thời nó cũng còn  thu thuế, khủng bố và tuyển mộ các thanh  niên cho các lực lượng võ  trang của nó. Trong năm 1969, quân khủng bố  (VC) đã giết hại hơn 6,000  người, trong số đó có 1,200 người đã được  chúng lựa chọn để ám sát.  Ngoài ra còn có khoảng 15,000 người đã bị  chúng gây thương tích. Trong  số những người bị giết có khoảng 90 xã  trưởng và các viên chức xã, 240  người là trưởng ấp và các viên chức ấp,  229 người là dân tị nạn (từ địa  phương khác tới) và 4,350 thường dân.


Trong khoảng thời gian từ  cuối năm 1963, sau vụ đảo chánh Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, đến khoảng  giữa năm 1965 với  sự xuất hiện của các tướng lãnh, mọi cố gắng ngăn  chặn chiến tranh của  Miền Nam Việt Nam dường như đã bị chậm lại bởi sự  bất ổn chính trị.  Trong khoảng 19 tháng đó, những chương trình bình  định xem ra cũng không  hoạt động và sự an ninh tại nông thôn lại càng  trở nên tồi tệ hơn bởi  các HTCSVC đã biết lợi dụng sự bất ổn tại Sài  Gòn. Cho đến năm 1965,  tình hình đã trở nên nghiêm trọng đến nỗi các  giới chức Mỹ và Việt Nam  đã kết luận rằng, mọi cố gắng cho đến lúc đó –  bao gồm các chương trình  bình định, các cuộc hành quân tiễu trừ phiến  Cộng và công cuộc cải tổ  Quân Lực VNCH – chưa đủ để làm thất bại các  hoạt động của cộng sản.


Tháng 3, 1966, Tổng Thống  Lyndon B. Johnson chỉ định ông Robert W. Komer làm phụ tá đặc biệt tại  Washington để hướng đẫn, phối hợp và giám  sát các chương trình không  quân sự (mà ông gọi là một “cuộc chiến tranh  khác”).


Ðiều này đã chứng tỏ sự ưu  tiên hàng đầu TT Johnson nhắm vào là sự bình định. Sau vài chuyến viếng  thăm Việt Nam, Komer đã báo cáo rằng công cuộc bình định đang gặp bế  tắc và đã đề nghị lên TT Johnson một số  biện pháp để giải quyết. Theo  Komer, cách tốt nhất làm suy yếu Việt Cộng  là củng cố việc trợ giúp của  Mỹ dưới một người quản lý duy nhất có  quyền hạn rộng rãi.


Ngày 29 tháng 6, 1967, cơ quan tình báo MACV (Bộ Chỉ Huy Quân Sự Mỹ tại  Việt Nam) đã tóm tắt một bản nghiên cứu về chiến lược của địch. Bản  nghiên cứu đã dựa trên sự phân tích những bản phúc trình các nguồn tin,   các báo cáo thẩm vấn và các tài liệu bắt được từ các hồ sơ lưu trữ của   Mỹ và QLVNCH. Nó cho thấy HTCSVC là một mối đe dọa cho việc chiến thắng   tại Việt Nam. Cũng trong năm đó, cơ quan tình báo CIA đã đề nghị tất  cả  các cơ quan tình báo Mỹ phải chú tâm vào việc thu thập các tin tức  về  HTCSVC ở các tỉnh, quận và Sài Gòn. Phượng Hoàng (Phoenix) (theo  người  Tây phương, là tên một loại chim trong huyền thoại Ai Cập đã chết  đi rồi  sống lại từ đống xác tro của nó) đã trở thành một ám danh cho  một  chương trình nhằm vô hiệu hóa những hoạt động của địch.


Các giới chức tình báo Mỹ  đã định nghĩa Phượng Hoàng như một nỗ lực nhằm hệ thống hóa việc phối  hợp và khai thác các hoạt động tình báo. Thí  dụ như trước khi có kế  hoạch Phượng Hoàng, một quận có thể có tới 11 mạng lưới tình báo về phía  đồng minh hoạt động riêng rẽ. Một số nhà quan sát đã cho rằng quận hạt  đã có số người đưa tin và mật báo viên cho phía đồng minh được trả lương  nhiều hơn là số lượng HTCSVC chính qui đã  xâm nhập phải theo dõi.


Nhờ có chiến dịch Phượng  Hoàng, tính đến tháng 6 năm 1970, đã có 91%  trên tổng số 10,944 ấp được  coi là an ninh hay tương đối an ninh, và 7.2% đang còn tranh chấp, và  chỉ có 1.4% được coi như là do Việt Cộng kiểm soát. Những con số đó đã  chứng tỏ một sự suy giảm ảnh hưởng của  HTCSVC.


Không ai biết được đã có  bao nhiêu Việt Cộng đã điều hành “cái được gọi” là chính quyền trong  bóng tối (tức là chính quyền do Việt Cộng thiết lập trong những vùng  nông thôn ở Miền Nam Việt Nam; thường được hiểu là Chính quyền về Ðêm),  nhưng vào tháng 12, 1967, khi chương trình  Phượng Hoàng được tung ra,  người ta ước lượng rằng có khoảng 80,000 cán  bộ trong đội ngũ HTCSVC.  Ngay trong năm đầu tiên, mặc dù những cuộc tấn  công của Cộng Sản trong  tháng 2 và tháng 5, 1968 (Tết Mậu Thân) Phượng  Hoàng đã loại bỏ gần  16,000 người khỏi những vị trí cơ sở của chúng.


Phượng Hoàng đã phối hợp  sử dụng các nguồn tin từ các ủy ban tình báo  hỗn hợp của chính quyền  các cấp cho tới cấp quận. Các cố vấn Mỹ, kể cả  CIA, đã tham dự trong nỗ  lực gạn lọc các nguồn tin từ các mật báo viên,  các người cho tin, các  tù binh và nhiều nguồn khác. Việc triển khai được  thực hiện bởi các đơn  vị quân sự hay bán quân sự thi hành các nhiệm vụ  bí mật với các toán  đơn vị nhỏ xâm nhập vào các vùng do Việt Cộng kiểm  soát, thường thường  vào ban đêm.


Lúc ban đầu, Phượng Hoàng  đã khuấy động sự nhiệt tình trong các người  Mỹ hơn là người Việt Nam.  Một sĩ quan chiến trường Mỹ đã nói trong năm  1968 là: “Chúng tôi đã  trải qua hàng tháng để đưa ra những kế hoạch,  những cố vấn, thiết lập  các hồ sơ, các sự an toàn cho các tỉnh và quận –  để rồi các bạn đặt tên  cho nó – Ðây là một chương trình của người Mỹ  chứ không phải là một nỗ  lực của chính phủ Việt Nam.” Thế nhưng điều này  đã nhanh chóng chuyển  đổi.


Trong một tỉnh gần Sài  Gòn, dựa vào tin tức tình báo trong khoảng 2 tháng đã đưa đến việc bắt  giữ hay ám sát 6 thành viên trong ủy ban HTCSVC cấp tỉnh, 3 thủ lãnh  HTCSVC cấp quận, 9 viên chức HTCSVC cấp quận  khác và 31 cán binh xã ấp.  Các cán bộ đã được huấn luyện, đặc biệt là ở  cấp tỉnh, muốn thay thế  họ cũng không phải là chuyện dễ.


Tổng Thống Johnson đã ủy  nhiệm cho Tướng Westmoreland, tư lệnh MACV,  kiểm soát cả hai lãnh vực  dân sự và quân sự về bình định, và đồng thời  chỉ định Komer làm phó cho  Westmoreland đặc trách về bình định. Komer  đứng đầu một cơ quan mới  thành lập (từ tháng 5, 1967) được đặt tên là  Civil Operations and  Revolutionary Development Support gọi tắt là CORDS  (cơ quan này chúng  ta vẫn gọi là Cơ Quan Dân Sự Vụ Hoa Kỳ) để thống nhất  các nỗ lực về  quân sự và dân sự trên mọi cấp.


Cộng Sản ở Việt Nam đã có  nhiều năm kinh nghiệm trong những hoạt động  bí mật. Ðể đối phó với loại  hoạt động này, chính phủ VNCH sau vụ tấn  công Tết Mậu Thân 1968, cũng  đã triển khai một chương trình gọi là Phụng  Hoàng (cũng là tên một loài  chim trong cổ tích Việt Nam có sức mạnh  huyền diệu). Bộ Lục Quân Mỹ đã  đệ trình một bản phúc trình lên Thượng  Nghị Sĩ William J. Fulbright,  chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện,  nói rằng:


“Phụng Hoàng là một kế hoạch của chính phủ Việt Nam nhằm mục đích tập   trung và phối hợp mọi nỗ lực của các cơ quan quân sự và dân sự nhằm vô   hiệu hóa các HTCSVC… Phụng Hoàng là một chính sách nhằm bảo vệ dân  chúng  khỏi sự khủng bố… Nền tảng của chương trình là một cố gắng phối  hợp đầy  đủ các hoạt động về tình báo của tất cả các cơ quan của chính  phủ Việt  Nam và của Mỹ nhắm vào các HTCSVC với mục đích muốn vô hiệu  hóa những  ảnh hưởng và sự kiểm soát của nó (HTCSVC) trên dân chúng.”


Tổng Thống Nguyễn Văn  Thiệu công bố chương trình này vào ngày 1 tháng  7, 1968, ngay sau cuộc  tổng tấn công của Việt Cộng vừa chấm dứt. Tuy  nhiên ông không nói cho  biết rằng Phụng Hoàng chính là sự mở rộng chương  trình Phượng Hoàng của  Mỹ. (Ghi chú: Người dịch dùng chữ Phượng Hoàng  để chỉ chương trình của  người Mỹ để phân biệt với Phụng Hoàng là chương  trình của người Việt,  mặc dù trong tiếng Anh cả hai đều là “Phoenix”)


Chính phủ Việt Nam đã qui  định những mức độ khác nhau về sự tham gia  các hoạt động chính trị của  Việt Cộng. Có 3 mức độ tham gia với những  hình phạt khác nhau đã được  ấn định. Loại A là các đảng viên, các viên  chức địa phương hay cán bộ  mặt trận quan trọng, sẽ nhận bản án là 2 năm.  Loại B là các cán bộ quan  trọng ở một trong các ủy ban nòng cốt như thu  thuế hay tổ trưởng du  kích, sẽ nhận bản án tối thiểu là một năm và tối  đa là 2 năm. Loại C  hay các cảm tình viên cộng sản nói chung, các cán bộ  giao liên hay phụ  tá hậu cần, hoặc là thành viên trong một tổ chức bán  quân sự, sẽ nhận  một bản án không quá một năm. Hầu hết những người loại C  thường nhanh  chóng được thả.


Chỉ tiêu do cơ quan CORDS  đưa ra thường chỉ áp dụng cho loại A và B, chứ không áp dụng cho loại C.  Các cố vấn Mỹ ước lượng có khoảng 20% các  nghi can bị kết án trong năm  1969 và chỉ một tỷ lệ nhỏ trong số đó nhận  bản án tối đa là 2 năm. Hầu  hết họ chỉ bị án từ 3 đến 6 tháng.


Chính phủ Việt Nam Cộng  Hòa đã công khai hóa sự cần thiết của chương  trình này nhằm bảo vệ dân  chúng khỏi sự khủng bố, và kêu gọi dân chúng  trợ giúp bằng cách cung  cấp những thông tin cần thiết. Chương trình  Phượng Hoàng Mỹ (Phoenix  Program) được đặt dưới sự điều hành của cơ quan  CORDS thuộc MACV. Người  kế nhiệm Komer chỉ huy CORDS là Ðại sứ William  E. Colby kể từ ngày 6  tháng 11, 1968.


Ông Colby từng làm trưởng  phòng CIA ở Sài Gòn. Sự hiểu biết của ông đối với công việc của cơ quan  CORDS thật là tuyệt vời. Trong Thế Chiến II, ông là thành viên OSS đã  từng nhảy dù xuống ngay sau phòng tuyến để  phối hợp hoạt động với các  kháng chiến quân và hướng dẫn các cuộc hành  quân phá hoại ở Na-Uy và  Pháp đang do Ðức chiếm đóng. Ông Colby sau này  đảm nhiệm chức vụ giám  đốc CIA (tại Washington, D.C.).


Toàn bộ chương trình Phụng  Hoàng (của VN) nhắm vào công việc bình định. Công việc này bao gồm cả chương trình Chiêu Hồi của VNCH đã bắt  đầu từ năm 1962. Ðây là một  chương trình có tính cách ân xá nhằm làm suy giảm lực lượng võ trang  của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam. Trong  năm 1969, đã có 47,000  cán binh Việt Cộng tự nguyện qui thuận chính  phủ, họ đã được chăm sóc y\ tế, giúp đỡ về kinh tế và huấn nghệ trước khi  được thả trở về đời sống  dân sự hoặc được phép gia nhập vào quân đội VNCH. Năm 1970, con số đó  là 32,000 người.


Chiến dịch Phụng Hoàng  không phải là một chương trình ám sát mà là một chương trình tình báo…  được thực hiện theo luật thời chiến. Sự hướng  dẫn có đoạn nói: “Chương  trình Phượng Hoàng (Phoenix Program) của Mỹ là  một sự cố vấn, yểm trợ  và giúp đỡ cho chương trình Phụng Hoàng của  chính phủ Việt Nam nhằm làm  giảm bớt ảnh hưởng và hiệu quả của các  HTCSVC ở Miền Nam Việt Nam… Các  cuộc hành quân chống HTCSVC bao gồm công  việc thu thập tin tức tình  báo để xác định lý lịch các thành viên kể cả  những người đã bỏ hàng ngũ  Việt Cộng trở về với chính phủ, bắt họ hoặc  câu lưu họ để đưa họ ra  trước một Ủy Ban An Ninh tỉnh để kết án theo  luật định, và biện pháp  cuối cùng, là sử dụng lực lượng quân sự và cảnh  sát, nếu không còn cách  nào khác, để ngăn ngừa họ thi hành các hoạt động  bất hợp pháp có thể  xảy ra.”


Một trong những yếu tố gây  nên tranh cãi nhất của chương trình Phượng  Hoàng là những chỉ tiêu về  HTCSVC. Xuất hiện trước Ủy Ban Ngoại Giao  Thượng Viện vào năm 1970,  Colby đã được hỏi: “Tiền có phải là động lực  kích thích người Việt Nam  hoạt động cho chương trình hay không?” Ðại Sứ  Colby đã trả lời: “Tiền  đó không dành cho những người Việt điều hành  chương trình. Ðó là những  phần thưởng được đặt ra công khai về những cá  nhân nào đó đang bị truy  nã. Có những bích chương và truyền đơn công bố  một người nào đó đang bị  truy nã bởi vì nó là thành viên của hạ tầng cơ  sở và đã tham gia vào  một hoạt động khủng bố và nếu tin tức được cung  cấp đưa đến việc bắt  giữ người ấy thì chắc chắn sẽ được tưởng thưởng…  Tuy nhiên chính phủ  Việt Nam đã cố gắng hết sức để có thể bắt sống hơn  là giết chết bởi vì  người sống có nhiều tin tức trong đầu sẽ giúp chúng  ta được nhiều hơn  trong tương lai.”


Ðược hỏi về những lý do  đưa đến những con số HTCSVC bị giết hay bị loại ra khỏi cuộc chiến khá  cao, Colby cho biết, “Trong năm 1969, con số bị bắt là 8.515 người, tái  phối trí 4.832 người, và giết 6.187 người,  nâng tổng số lên tới 19.534  người, như vậy khoảng 30% trong số đó đã bị giết. Con số bị giết bao gồm  cả số người đã bị giết rồi mới phát hiện họ  là những HTCSVC. Chẳng  hạn, đã có những người bị giết trong một cuộc phục kích vào ban đêm ở  ngoài một ngôi làng cùng với một số người có võ  trang, hay trong một  cuộc giao tranh với một đơn vị du kích cộng sản.  Căn cứ vào các giấy tờ  tùy thân, lúc đó người ta mới xác nhận được những  người bị giết chính  là các HTCSVC. Mặc dù các cuộc hành quân không nhắm  vào họ lúc ban  đầu…”


Báo Washington Post ra  ngày 17 tháng 2, 1970, Robert G. Kaiser, Jr.  đã tường thuật buổi điều  trần của Colby. Bài báo chỉ trích chương trình Phượng Hoàng, và đã mô tả  chương trình như đã diễn tiến như sau: “Các văn phòng Phụng Hoàng ở 44  tỉnh và phần nhiều trong số 242 quận của Miền  Nam Việt Nam (tất cả đều  có cố vấn Mỹ) đã lưu trữ những hồ sơ liên quan  đến các viên chức Việt  Cộng trong vùng và cả một danh sách bí mật những  đàn ông và phụ nữ bị  truy nã. Ngành Cảnh Sát Ðặc Biệt (đơn vị tình báo  của ngành Cảnh Sát  Quốc Gia), các binh sĩ địa phương và các đơn vị Thám  Sát Tỉnh  (Provional Reconnaisance Units, viết tắt là PRUs) gồm 18 người  đã thực  hiện những cuộc hành quân bắt giữ những người bị truy nã này.  Những  người bị bắt sẽ bị thẩm vấn. Khi có bằng chứng liên hệ với Việt  Cộng,  họ sẽ bị đem ra xét xử trước Ủy Ban An Ninh Tỉnh. Những người bị  tình  nghi cao hơn thì bị đưa ra Tòa Án Quân Sự Mặt Trận.” Bài báo còn  nói  rằng, “Phụng Hoàng đối với nhiều người ở Mỹ, thường được coi như là  một  Công Ty Ám Sát của Người Việt (Vietnamese Murder Inc.)”


Phụng Hoàng được điều hành  ở địa phương, nơi mà các vấn đề thường khởi sự. Mỗi trung tâm hành quân  và phối hợp tình báo quận có những toán, thông thường gồm có một sĩ  quan Quân Báo VNCH, một cố vấn tình báo  Mỹ (thường là cấp úy), các nhân  viên Cảnh Sát Ðặc Biệt và các cán bộ bình định địa phương để thu thập  các tin tức tình báo và thiết lập các  hồ sơ về những người bị tình nghi  là Việt Cộng trong phạm vi. Khi hồ sơ  được hoàn tất, kẻ tình nghi sẽ  bị bắt giữ.


Dưới cấp quận là cấp xã.  Chủ trương chính là nhắm vào cấp xã. Tính  đến năm 1969, 95% các xã đã  có bầu cử xã trưởng và các Hội Ðồng Xã. Các chính quyền xã nắm quyền  kiểm soát các lực lượng võ trang địa phương, bao gồm các Cán Bộ Phát  Triển Nông Thôn, lực lượng Cảnh Sát, lực lượng  Nhân Dân Tự Vệ, và lực  lượng Nghĩa Quân. Phần lớn các nhiệm vụ của  Phượng Hoàng ở cấp này được  thi hành bởi các lực lượng nói trên.


Cũng có nhiều người bị  tình nghi chỉ 1 hay 2 giờ sau khi bị bắt đã  được thả. Nếu kẻ bị tình  nghi không được thả ở cấp địa phương, nó sẽ bị  giải đến Trung Tâm Thẩm  Vấn tỉnh để thẩm tra và lập hồ sơ đưa ra trước  Ủy Ban An Ninh tỉnh, tại  đây các bằng chứng sẽ được xem xét và kẻ tình nghi sẽ bị kết án hay  được tha. Ở một vài nơi, bởi vì nhiều đơn vị tỏ ra kém hiệu quả trong  việc thi hành nhiệm vụ này, các cố vấn Mỹ đã tin tưởng vào các đơn vị  thám sát tỉnh để nhắm vào các mục tiêu HTCSVC.


Các đơn vị thám sát tỉnh  có vẻ Mỹ nhiều hơn Việt Nam. Họ được tuyển mộ, huấn luyện, trả lương và  điều hành bởi CIA; họ được huấn luyện kỹ như là những lính đánh thuê,  được tuyển chọn từ những nhóm dân thiểu số  Việt Nam, như người Nùng,  người Miên hoặc từ những cán binh Việt Cộng đã ra đầu thú. Các đơn vị  người nhái Hải Quân Mỹ làm việc với CIA thường  chỉ đạo những cuộc hành  quân này. Các thành viên của các đơn vị này được  trả lương 15,000 đồng  một tháng (trong khi 1 người lính thường chỉ được  lãnh có 4,000  đồng/tháng).


Cuối năm 1968, đơn vị CIA ở  Sài Gòn thông báo cho cơ quan CORDS về dự định rút số nhân viên đang  thi hành công việc cố vấn và điều hợp nhiệm vụ trong chương trình Phượng  Hoàng. Cơ quan CORDS đã thay thế ngay lập  tức bằng các sĩ quan cấp úy  đã có huấn luyện. Sự thay đổi này đã tái xác nhận tầm quan trọng của  việc thu thập tin tức tình báo độc lập như là  nhiệm vụ cổ điển của CIA  trong bất cứ tình huống nào có liên quan đến lợi ích quốc gia của Mỹ ở  hải ngoại. CIA đã tạo ra cái khuynh hướng đứng  ngoài các công tác chống  nổi loạn.


Chương trình Phượng Hoàng Mỹ đã bất động khi Bắc Việt tung ra cuộc tấn công Mùa Hè Ðỏ Lửa năm  1972, nhưng nó đã không ngưng hẳn hoạt động mãi cho tới năm 1973. Trong nỗ lực của nó nhằm vô hiệu hóa các HTCSVC, chương trình Phượng Hoàng  đã sử dụng 450 nhân viên cố vấn quân sự Mỹ,  trong số đó 262 người đã  phục vụ trong những cuộc hành quân then chốt  tại cấp quận. Theo Colby,  chương trình Phượng Hoàng đã có kết quả là làm  rã ngũ 17.000 cán binh VC, bắt giữ 28.000 kẻ bị tình nghi và làm thiệt  mạng khoảng 20.000  người khác. Ông cũng nói rằng, 85% số người bị thiệt  mạng bởi trong khi giao chiến với các lực lượng quân sự và bán quân sự của Việt Nam và  Mỹ, trong số đó chỉ có 12% bị giết bởi các lực lượng cảnh sát và an ninh. Con số 12% đó, hầu hết bị chết trong lúc giao  tranh, hay kháng cự  lại sự bắt giữ.


Toàn Như (NĐT)

(dịch từ Flight Of The Phoenix - Vietnam Magazine, số Tháng 2-1994)


NỀN.png
bottom of page