TÂM TÌNH
TÂM TÌNH CỰU SVSQ & HẬU DUỆ
DUY VĂN HÀ ĐÌNH HUY
Sàigòn, ngày 30 tháng 04 năm 1986...
Chiều nay, tôi cảm thấy người dễ chịu hơn mỗi bữa vì cơn sốt đã hạ nhiệt. Tôi đã nấu ăn được và ngồi tiếp một số bạn cùng xóm đến thăm. Đêm về, theo thói quen tôi phải hút điếu thuốc cuối cùng trong ngày trước khi đi ngủ - để dễ ngủ. Nhưng đêm nay tôi không dễ dàng ngủ. Bỗng nhiên tôi nhớ đến Hòa, một thằng bạn cùng trường thời trung học, đặc biệt ở chung nhà trọ và cùng học với nhau trong những năm tháng luyện thi Tú Tài.
Quê bạn ở Kiến Tường một tỉnh thuộc miền Tây Nam Việt Nam. Hòa đã chết, bạn hy sinh trong trận đánh ở Kiến Tường mười mấy năm về trước. Những năm xưa khi còn là một cậu học sinh ở bậc trung học, bạn ngủ rất ít, dành thời gian cho việc học nhiều mong được thành đạt trong học vấn. Hòa không hút thuốc, khác với tôi. Hễ mỗi lần suy nghĩ về một việc gì đó, tôi lại hút một điếu. Thuở ấy, thuốc lá đối với tôi như một người bạn hay như một nhà tâm lý phân tích và giải hóa giúp cho tôi thoát qua những nỗi buồn. Tính tình của Hòa nhút nhát, hay mắc cở nhưng đôi khi “nồng cháy” như cô gái đang vào yêu. Có lần tôi nhận dạy thêm môn toán cho mười tám cô học trò lớp đệ Tam (lớp 10 bây giờ), bất ngờ tôi bị ốm trước giờ lên lớp. Tôi nhờ bạn giúp, Hòa có vẻ ngại ngùng không nhận, nhưng vì quý mến tôi nên nhận lời. Tôi nằm trong căn phòng nhỏ với chiếc mền chưa khô, bởi không kịp đem vào sau cơn mưa chiều, nhưng mắt tôi vẫn theo dõi động tác giảng dạy của Hòa. Tôi thầm cười trước thái độ lúng túng và mắc cở của bạn. Học trò tôi phần lớn là con của những nhà giàu trong tỉnh nên tính tình của họ rất kiêu căng và tinh nghịch. Cóđứa trêu chọc Hòa ngay lúc khi bạn đang giảng bài. Cứ mỗi lần bị học trò chọc ghẹo như vậy, mặt bạn đỏ bừng sau đó trở sang màu vàng nhạt và viên phấn cũng rơi xuống sàn nhà từ trên tay của bạn. Nhớ đến đây, bỗng nước mắt tôi trào ra, vì biết bạn đã chết rồi! Bạn không còn sống…nữa. Tôi bùi ngùi!
Trong những năm 71-72, đất nước bước qua một giai đoạn hết sức nóng bỏng bởi chiến tranh. Tôi hay tin bạn đã nhập ngũ và đang thụ huấn khóa sĩ quan ở trường bộ binh Thủ Đức. Tôi có thăm bạn vài lần, thấy Hòa hơi đen và rắn chắc nhiều so với thời học sinh. Vì thời cuộc, ít năm sau tôi cũng vào khóa Sĩ Quan Cảnh Sát. Trong thời gian thụ huấn ở Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, tôi được tin Hòa ra trường về lính Địa Phương Quân ở Tiểu khu Kiến Tường. Tôi mừng thầm cho bạn vì đã được phục vụ nơi quê hương bạn. Thời gian trôi qua, tôi không nghe tin về bạn. Tôi nhớ nhiều đến bạn, nhưng “bặt tin tăm cá”.
Tôi ra trường và về làm việc ở một quận lỵ nhỏ xa xôi trong tỉnh Tây Ninh nên việc tìm tin tức về Hòa lại càng khó khăn. Có lần, tôi có chuyến công tác về thủ đô Saigon, tình cờ gặp một người bạn, cho biết Hòa vẫn còn trong quân ngũ. Tôi mừng.
Lần khác xuống trường Luật Saigon lấy bài (course) cho học trình năm thứ ba (học hàm thụ), qua tin bạn cùng lớp biết Hòa đã hy sinh. Cái chết của Hòa làm tôi buồn. Được biết Hòa hy sinh trong trận giao tranh với một đơn vị Việt cộng ở Kiến Văn. Bạn chết thân thể tan tành bởi trúng trái B40 quái ác của địch, khi bạn chỉ huy trung đội xung phong tiến chiếm mục tiêu. Hơn mười mấy năm trôi qua. Tôi, giờ đây hóa ra như một kẻ điên dại, dường như không còn khả năng suy luận gì nữa! Trí óc lu mờ. Hiện tại chỉ biết đến “cái ăn, cái mặc” …, tôi tự nghĩ thật tầm thường! Cái ăn mặc đôi khi còn thiếu nữa kia mà! (sau khi đi tù “cải tạo” về) Hòa! Mặc dù bạn đã ngàn thu vĩnh biệt, nay xương thịt bạn có thể là phân xanh cho cây lá, nhưng hiện bạn là người đang thảnh thơi, bạn không còn vướng víu với cõi trần khốn khổ này, hồn bạn sẽ an lạc nơi chốn bồng lai. Thân xác của bạn ít nhất cũng hữu ích cho thiên nhiên cây cỏ cho sự sống tạo vật trên đời. Theo ý nghĩa đó, sự hy sinh của bạn cho việc bảo quốc an dân và cho chính nghĩa tự do thật danh dự cao cả. Bạn đã làm tròn nhiệm vụ của người trai thời chiến. Bạn đã đi xa…, bạn nào có biết hiện trong chế độ mới, (chế độ cộng sản) tôi và những người bạn khác đang phải sống trong nỗi sống đầy mặc cảm, thành kiến với sự nhục nhã vô cùng với thân phận một người dân mất nước. Họ nhân danh là “kẻ chiến thắng” chà đạp lên công lý, nhân phẩm ngay cả đời sống của con người... Mười hai giờ đêm, mắt tôi mỏi, hai mí mắt dính vào nhau. Người tôi mệt rã rời, nhưng thời điểm này lại là lúc nhớ nhiều về Hòa và tôi cảm tưởng bạn đòi hỏi tôi với một lời hứa hẹn. Vâng, bạn hãy yên nghỉ. Nhân danh người cùng hoài bão thiết tha với lý tưởng tự do tôi xin hứa với linh hồn bạn dù bất kỳ trong hoàn cảnh nào, tôi vẫn tranh đấu để đem lại tự do cho đất nước… Tiếng chó sủa ai ngoài hẻm phố làm ý tưởng tôi chợt tắt khoảng 01 giờ sáng hôm sau.
Duy Văn Hà Đình Huy (K8)