TÂM TÌNH
TÂM TÌNH CỰU SVSQ & HẬU DUỆ
K3 HÀ VĂN SANG
Cuối niên học 1965-1966, tôi may mắn lấy được mảnh bằng Tú Tài II từ trường Trung Học Petrus Ký và ghi danh vào Đại Học Khoa Học cũng như Đại Học Luật Khoa Sài Gòn… Tình hình chiến sự tại miền Nam ngày càng khốc liệt. Năm 1967 Luật Tổng Động Viên đã được ban hành. Cũng như bao chàng trai khác, tôi cũng lo góp phần mìnhđể phục vụ đất nước khi cần đến, theo hoài bảo và hoàn cảnh của mình. Tôi còn nhớ lúc đó, tôi ghi danh xin gia nhập hay thi tuyển vào các ngành như: Chiến Tranh Chính Trị, Hải Quân, Không Quân Không Phi Hành…và Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia. Tôi đã bị rớt vào Không Quân vì lý do sức khoẻ, có lẽ vì lúc đó tôi đã lo vận động tranh cử vào Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn với Ban Đại Diện Đại Học Khoa Học thành ra quá ốm (chỉ còn 42 ký) nên bị B/s Vương QuangT. trại Phi Long “chê”. Sau đó tôi được một bạn đồng môn P. Ký và sau nầy cũng là bạn đồng Khoá 3, Nguyễn Tấn Hưng, cho biết là hai đứa tôi đã có danh sách đậu vào Học Viện Cảnh Sát. Chúng tôi thu xếp để vào thụ huấn Khoá 3 Học Viện tại Trại Lê Văn Duyệt từ đầu tháng giêng năm 1968.
Thời gian học tại Học Viện cũng có rất nhiều kỷ niệm với quý vị Giảng Sư và quý vị cán bộ của Liên Đoàn Khoá Sinh cũng như các bạn đồng khoá… Đến cuối tháng 10, 1968 chúng tôi được mãn khoá ra trường.
Phải công nhận, con người có số mạng. Tôi còn nhớ kết quả cuối khoá, tôi đậu với hạng cũng khá. Ngày ra trường khi chọn nhiệm sở, tôi ngồi gần anh Lê Văn Lạc (cựu sỉ quan Cảnh Sát phục vụ tại TTHL Cảnh Sát Dã Chiến Đà Lạt), anh chỉ cho tôi chọn Sở Công Lộ để được làm tại Tổng Nha (Sài Gòn). Trình diện Sở Công Lộ, tôi được làm Phụ Tá cho Niên Trưởng Nguyễn Tiếc Cường, Chủ Sự Phòng Nghiên Cứu. Lúc đó cũng có các bạn cùng khoá 3 như: Ngô Hiếu Chí, Đỗ Văn Ngọ và Triệu Xinh được làm tại Phòng Kế Hoạch và Phòng Đăng Bộ với các Niên Trưởng Nguyễn Minh Tiến, Trần Văn Tài và Chánh Sở Công Lộ là Niên Trưởng Nguyễn Ngọc Em (Hiến Binh chuyển ngành, đã quá vãng). Sau một thời gian ngắn, hai bạn Chí và Ngọ chuyển qua CSDC, chỉ còn bạn Triệu Xinh thì ở lại đến khi “đứt phim” (?). Tại đây thỉnh thoảng tôi cũng theo Niên Trưởng Chủ Sự Phòng Nghiên Cứu Nguyễn Tiếc Cường đi huấn luyện các nhân viên Cảnh Sát Công Lộ thuộc các Ty địa phương… Có lần phối hợp với Khối Huấn Luyện, tôi đã gặp K3 Nguyễn Dư Hùng đang tham dự huấn luyện tại Tổng Nha…. Đặc biệt có hai lần đi công tác huấn luyện ở Đà Nẳng và Huế, tôi có gặp các bạn Khoá 3 như Nguyễn Dạng, Từ Dục ….
Đến giữa năm 1970 vì muốn có sự thay đổi, tôi xin chuyển về làm việc tại Thanh Tra Đoàn, Nha CSQG Vùng 4 Cần Thơ. Thanh Tra Đoàn lúc đó do Niên Trưởng Nguyễn Bá Minh (Hiến Binh chuyển ngành) làm Thanh Tra Trưởng và sau nầy là Trung Tá Lê Ngọc Tô (quân đội biệt phái). Có lúc tôi đã cùng làm việc với K3 Tiêu Khôn Minh. Tôi và TK Minh giữ 2 trong tổng số 3 Toán Thanh Tra của TT Đoàn, toán còn lại do Đ/U Trần Đình Võ đảm trách. Nhiệm vụ của chúng tôi là theo thời khoá biểu đi thanh tra các đơn vị trực thuộc các Ty CSQG của Vùng 4, gồm 16 tỉnh. Đây là thời gian mà tôi cho là lý tưởng nhất trong đời “Cảnh Nghiệp”, vì bên cạnh công việc làm, tôi còn được ngao du khắp đó đây đến tận các quận, xã thuộc vùng 4. Dĩ nhiên là cũng có lúc gặp nguy hiểm. Tôi phải dùng đủ thứ phương tiện di chuyển tùy theo tình hình an ninh, như đi xe Jeep, ghe chài, tắc ráng, xà lang, xe đò, máy bay trực thăng, máy bay loại nhỏ, như Cesna (7 chỗ ngồi), Volpa (9 chỗ ngồi, do USAID ở vùng cung cấp). Có một kỷ niệm mà tôi còn nhớ đến bây giờ vì được thoát… chết trong một chuyến công tác thanh tra từ Nha đến Ty An Xuyên (Cà Mau, cách Cần Thơ 180 cây số). Sau khi làm manifest tại cơ quan USAID, đến ngày giờ lên đường hôm đó tôi ra phi trường Cần Thơ và đươc đi trên chiếc máy bay Cesna do người Mỹ lái. Trên máy bay gồm 7 người trong đó có tôi và một đồng sự. Khi đến phi trường Bạc Liêu thì phi công lại cho máy bay đáp xuống một cách đột ngột. Tôi rất ngạc nhiên nhất là khi nhìn xuống dưới sân bay thì thấy ba bốn chiếc xe Hồng Thập Tự đang chớp đèn…Trong khi máy bay đáp xuống thì tôi nghe một tiếng va chạm mạnh: lườn phi cơ bị cào xuống sân bay, khói bốc lên nghi ngút…Sau khi phi cơ đã ngừng và ổn định, mọi người hối hả rời khỏi phi cơ và cũng không kịp tìm hiểu nguyên nhân mà chỉ nghĩ bụng là mình đã may mắn thoát được một tai nạn. Sau khi liên lạc, chúng tôi được xe đón về Ty Cảnh Sát Bạc Liêu, lúc đó trưởng Ty là Niên Trưởng Trần Quan An. Hôm sau, nhóm của tôi được đi tiếp bằng xe Jeep đến Ty CSQG tỉnh An Xuyên (Cà Mau, cách Bạc Liêu độ 60 cây số, lúc đó trưởng Ty là Niên Trưởng Bùi Nhật Huy - nay đã quá vãng). Thêm một chuyện cũng khá “ly kỳ” là trong chuyến đi thanh tra ở Rạch Giá, khi phải đến đảo Phú Quốc tôi được hân hạnh đi trên trực thăng đến xã Dương Đông, cũng như đã có dịp được thăm nơi lịch sử như dinh “Cậu” và giếng nước nơi mà trước đây vua Gia Long đã dùng nước của giếng nầy cho quân sĩ uống trong thời gian bị quân Tây Sơn đánh dồn về đây… Thời gian công tác nầy tôi bị “dời leo” (bây giờ gọi là bị shingle) ở cổ và vì thế khi trở về lại Rạch Giá, tôi phải báo về Th/tá trưởng Đoàn Thanh Tra và tự mua vé máy bay Air Việt Namđể bay thẳng về Sài gòn và sau đó vô Chợ lớn nhờ ông thầy Trương Quốc C. trị cái bịnh đặc biệt nầy…Đây là một vài kỷ niệm khó quên trong đời làm Thanh Tra của tôi.
Như đã nói ở trên, thời gian làm ở Thanh Tra Đoàn là thời gian tôi vô cùng thích thú vì tôi được gặp nhiều Niên Trưởng và nhất là các Huynh Trưởng, các bạn đồng khoá 3 ở rải rác khắp nơi mà rất tiếc giờ nầy tôi không nhớ hết từ các Ty đến các Chi và Phân Chi…kể cả bên Cảnh Sát Sắc Phục, Giang Cảnh, Cảnh Sát Dã Chiến, Cảnh Sát Đặc Biệt, Phụng Hoàng, Thám Sát…
Nhìn chung, nghề thanh tra là nghề rày đây mai đó, có người còn cho là nghề “ngồi chơi xơi nước”. Nhưng bên cạnh nghiệp vụ chuyên môn, còn là dịp học hỏi và gặp gỡ quý đồng nghiệp từ 16 tỉnh của Nha Vùng 4 như: Cần Thơ, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Đéc, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, Kiến Tường, Kiến Phong, Kiến Hoà, Chương Thiện, Gò Công, Vĩnh Bình và đến cả Quận và Xã. Nghề thanhtra không có gì là “căng thẳng” lắm chỉ với tấm lòng và sự trung thực. Sau khi công tác về thì lo ngồi viết phúc trình và sau đó lo chuẩn bị cho chuyến đi kế tiếp… Cuộc sống cứ theo thời gian mà trôi đi và mình phải lo chu toàn nhiệm vụ được giao phó. Dĩ nhiên có khi từ giả một đơn vị để trở về nhiệm sở ở Nha Vùng 4 cũng có nhiều ngậm ngùi luyến tiếc… và đôi khi cũng được cho một ít quà gọi là kỷ niệm từ địa phương với thâm tình của những người đồng nghiệp mà chắc chắn không phải là… lo lót !!! Trong hoàn cảnh nầy, tôi cũng có một kỷ niệm khó quên với Niên Trưởng Nguyễn Kim Phùng và cũng là người thầy khả kính từ Học Viện. Vào một lần thanh tra các đơn vị trực thuộc Ty CSQG Châu Đốc, tôi được gặp các bạn K3 La Thanh Nhàn, Phan Thanh Nhàn, Nguyễn Thanh Giàu, Huỳnh Phấn Khởi (K 2, chi Tịnh Biên)…Khi xong công tác, tôi vào phòng Trưởng Ty để chào từ giả thì được Niên Trưởng Nguyễn Kim Phùng đưa cho một gói…dĩ nhiên là tôi không dám nhận nhưng Niên Trưởng Phùng lại “ phán “ một câu làm tôi phải “lẹ làng”đỡ lấy và chỉ biết cảm ơn: “Tao thầy mầy, tao cho mầy không được sao???”. Trên đường về, tôi coi lại thì thấy gói đó là năm ngàn đồng, lúc đó lương tháng của tôi chỉ độ 28 ngàn!!!
Đến độ cuối năm 1971 sau thời gian đi thanh tra cũng… thấm mệt, tôi được chuyển về làm Trưởng Chi CSQG Quận Đức Thịnh tỉnh Sa Đéc. Lại một bước ngoặc mới trong đời làm Cảnh Sát của tôi. Về trình diện Thiếu tá Phạm Khắc Đạt (quân đội biệt phái), tôi được biết trước đó Niên Trưởng Đỗ Hữu Ích cũng đã bàn giao Ty cho Th/t Đạt và ra đi ). Hai vị Trưởng Ty chỉ huy tiếp theo các năm sau là Thiếu Tá Cảnh Sát Nguyễn Hữu Trương và sau cùng cho tới ngày “đứt phim” là Trung tá Phan Văn Cao (quân đội biệt phái). Tại Ty Sa Đéc sau nầy tôi cũng gặp K3 Nguyễn Công Cẩn… Đây là giai đoạn mà cuộc chiến Việt Nam càng lúc càng khốc liệt. Trước đây, ở miền Tây, bốn tỉnh có tình hình xôi đậu nhất là Kiến Hoà, Kiến Phong, Kiến Tường và Chương Thiện (tam Kiến nhứt Chương) còn ba tỉnh được tiếng an toàn nhất là: Long Xuyên, Gò Công và Sa Đéc. Từ 1971 đến 1973, Sa Đéc tương đối yên tĩnh. Tình Sa Đéc có bốn quận: Đức Thịnh ( Châu thành ), Đức Thành, Lấp Vò (giáp ranh Long Xuyên với Bắc Vàm Cống ) và Đức Tôn, giáp ranh quận Bình Minh, Vĩnh Long (quận nầy kém an ninh hơn, nhất là xã An Khánh).
Chi CSQG quận Đức Thịnh do tôi đảm trách gồm 13 Phân Chi CSQG thuộc các xã: An Tịch, Tân Hiệp, Hoà Thành, Tân Dương, Bình Tiên, Tân Phú Trung, Tân Đông, Tân Khánh, Tân An Trung, Tân Khánh Tây, Tân Mỹ, Tân Xuân và Thị Xã Tân Vĩnh Hoà. Tổng số nhân viên kể cả CSĐB và trung đội CSDC có khi hơn 400 người. Gần 4 năm làm Trưởng Chi (sau là Chỉ Huy Trưởng) qua 3 thời kỳ Trưởng Ty Cảnh Sát, 3 Quận Trưởng và cũng 3 Tỉnh Trưởng, tôi có rất nhiều niềm vui với đầy tình nghĩa từ cấp chỉ huy hàng dọc cũng như hàng ngang và nhất là của nhiều đồng môn, đồng nghiệp. Phải nói là tôi rất biết ơn tất cả các cấp chỉ huy đã chỉ dạy cho tôi chu toàn trọng trách cũng như các đồng nghiệp đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ mà không một lần nào bị khiển trách và rất may mắn là tôi cũng đã được nhận huy chương hoặc bằng khen…
Tuy là một quận nằm trong ba tỉnh được coi là an ninh nhất vùng 4 nhưng càng về sau cho tới ngày “đứt phim”, quận Đức Thịnh chỗ tôi làm cũng như các nơi căng thẳng khác đã trở thành một quận rất “sôi động”. Lý do là sau Hiệp Định Paris 1973, Cộng Sản Bắc Việt dự trù cô lập tỉnh Kiến Phong mà quận Đức Thịnh lại có ranh với Kiến Phong trải dài theo liên tỉnh lộ 28 dọc theo sông Tiền Giang qua 5 xã của Quận: Tân Đông, Tân An Trung, Tân Khánh, Tân Khánh Tây và Tân Mỹ. Có lúc tôi phải sát cánh với vị Quận Trưởng sở tại nhất là trên tuyến đường 28, Việt Cộng thường hay đắp mô và xâm nhập vào các chùa làm chốt để đánh phá. Có nhiều đêm tôi cũng phải ngủ mà không thể rời bỏ áo giáp, giày trận… Một kỷ niệm cũng khó quên với Trung Tá Tỉnh trưởng Vương Văn Trổ là vào khoảng năm 1973 (ngày tháng tôi cũng không còn nhớ rõ) Việt Cộng gài mìn vào lục bình làm bè trôi theo sông từ xã Bình Tiên về Thị Xã đến chân cầu Hoà Khánh (nằm trên liên tỉnh nối từ Bắc Mỹ Thuận ngang qua thị xã Sa đéc dài đến Bắc Vàm Cống…) và cho bám vào chân cầu, sau đó chúng cho mìn nổ và giật sập cầu. Ngay sau đó, tôi từ BCH Quận Đức Thịnh chạy về đến nơi thì thấy Trung Tá Trổ đang nhai nát điếu thuốc lá trong miệng ông và phun phèo phèo ra xung quanh. Lúc đó tôi cũng không biết làm gì khác hơn là đứng cạnh đó trong yên lặng…
Một kỷ niệm vui vui với Thiếu Tá Trưởng Ty Cảnh Sát, Niên Trưởng Nguyễn Hữu Trương là một hôm vào năm 1972, ông gọi tôi qua nhà dùng cơm. Nhà ông bên kia bờ sông Tiền cùng phía với Tiểu Khu. Đến nơi khá đông người đa số là thuộc cấp của ông. Thức ăn khá hấp dẩn, cũng nhậu nhẹt lai rai…Tới chừng khi ra xe về, một đệ tử của ông lại nói nhỏ với tôi: “Đại uý biết nảy giờ ông nhậu thịt gì không? … Thịt chó đó ông ơi!!! Tôi “mụ” người ra và không biết phải làm gì vì tôi là một Phật tử và không bao giờ ăn thịt chó. Nhớ lại, Niên Trưởng Nguyễn Hữu Trương là người miền Bắc và rất thích “Cầy tơ” …Âu cũng là một kỷ niệm tuy hơi ngỡ ngàng và bất đắc dĩ, nhưng cũng vui …
Lại thêm một kỷ niệm khá gay go mà cũng nói lên trọng trách của những con người CSQG đã tận tâm với trách nhiệm:Vào khoảng đầu năm 1975, trong lúc tình hình tại địa phương rất căng thẳng và vào một đêm (tôi không nhớ rõ cụ thể thời gian và hình như tôi đã kể sơ chuyện nầy một lần rồi ?), Việt Cộng đánh ập vào xã Tân Mỹ ( giáp với phà Cao Lãnh) đợt 1 với tiểu đoàn 52 A chánh quy Bắc Việt và đã giết chết vị Xã Trưởng sở tại (Ông Ch.). Mặc dù xã bị đánh tan hoang, nhưng Cuộc CSQG do viên trưởng cuộc Nguyễn Văn Tấn (K7 Học Viện) khá dày kinh nghiệm vẫn còn “tử thủ”, một phần cũng nhờ Trưởng Cuộc đã tự mua thêm một số vũ khí và đạn dược để trang bị cho Cuộc (theo lời kể lại của vị Trưởng Cuộc). Sau đó một thời gian ngắn, bọn Cộng Sản Bắc Việt lại dùng tiểu đoàn chính quy 52 B của chúng để bao vây và đánh phá vài ngày nữa. Lúc đó Cuộc đã gần hết đạn nên gọi về Bộ Chỉ Huy Quận để xin tiếp tế. Theo tình hình nầy, tôi không dám đi đường bộ dọc Liên tỉnh lộ 28 để lên tiếp tế cho cuộc Tân Mỹ vì tôi nghĩ là chắc chắn sẽ bị phục kích. Tôi bèn xoay ra cách là đi bằng đường sông Tiền Giang. Tôi gấp rút báo cho Chỉ Huy Phó Tỉnh, Th/Tá Lê Quang Trung (K2) và gọi máy để nhờ Giang Đoàn Trưởng là K3 Diệp Tấn Lực giúp phương tiện để đi gắp lên Cuộc Tân Mỹ… Liền sau đó chúng tôi lập tức đến Giang Đoàn 408 gặp Đại Uý Lực và cùng đi với Thiếu Tá Trung. Trên chiếc xung kích đĩnh của Giang Đoàn 408, còn có vài anh em Giang Cảnh. Đến Cuộc Cảnh Sát Tân Mỹ, thiếu uý Tấn rất vui mừng khi nhận được một số đạn tiếp tế và hướng dẫn chúng tôi xem qua những hình ảnh tang thương còn lưu lại sau cuộc chiến các đêm trước xung quanh Cuộc, cũng như bên Xã…
Chúng tôi cũng động viên và tỏ lòng mến phục về khả năng đối đầu với bọn cộng sản của vị Trưởng Cuộc dầy kinh nghiệm và anh em trong Cuộc đã can cường trong cuộc chiến vừa qua.
Đến đoạn cuối của cuộc chiến Việt Nam thì buồn nhiều hơn vui. Ai cũng nghĩ tại sao cuộc chiến phải đến nỗi nầy và rồi đây cuộc đời của Dân, Quân, Cán, Chính miền Nam rồi sẽ phải trôi theo nỗi thăng trầm của vận nước?
Sau khi nghe lệnh đầu hàng của Tổng Thống Dương văn Minh, ngày 30 tháng 4 năm 1975,Tiểu Khu Sa Đéc triệu tập một buổi họp quan trọng khẩn cấp tại Tiểu khu. Phía Cảnh Sát Quốc Gia có Trung tá CHT Phan Văn Cao (đã quá vãng), Thiếu Tá CHP Lê Quang Trung, Phụ tá Đăc Biệt Th/t Huỳnh Ngọc Thịnh, Đại Đội Trưởng CSDC Võ Văn Hổ , hai vị nầy cũng đã quá vãng), Đại Uý Giang Đoàn Trưởng GĐ 408 Diệp Tấn Lực và bản thân tôi, CHT CSQG Quận Châu thành Đức Thịnh, cùng với sự có mặt của một số sĩ quan cao cấp bên Tiểu Khu… Điều khiển buổi họp là Đại Tá Lê Khánh, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Sa Đéc. Theo tinh thần buổi họp thì Tiểu Khu sẽ dùng 2 giang đĩnh của Giang Đoàn 408 để “di tản chiến thuật” từ Sa Đéc theo đường sông Tiền Giang ra biển và sau đó sẽ tính sau...Trên đường đi phải đem theo “củi” để gặp địch đâu thì đánh đó… Cuối buổi họp, ông Tỉnh Trưởng yêu cầu tất cả về thu xếp gấp để đến Giang Đoàn và xuất phát ngay đêm hôm đó.
Riêng phần tôi, thật lòng mà nói, một phần tôi không muốn bỏ nước ra đi trong tình thế nầy, một phần cũng vì hoàn cảnh gia đình, tôi chỉ còn một mẹ già đang ở Sài gòn và lúc đó vợ tôi đang có mang (vợ chồng tôi mới đám cưới được 7 tháng, từ tháng 9,1974) nên tôi không thể ra đi, và tôi cũng được biết Th/tá CHPhó LQT cũng vì hoàn cảnh gia đình không muốn đi. Hai anh em chúng tôi phải “né” toán người ra đi, vì đã họp mật với tiểu khu rồi mà không cùng đi lại sợ bị “loại trừ” vì sợ lộ kế hoạch của người ra đi…Tôi và Thiếu Tá CHP phải chạy xuống khu bến xe mới khỏi cầu Hoà Khánh (trên đường đi Vĩnh Long) để lánh mặt nhóm người ra đi. Mãi tới khi được biết phái đoàn đã ra khỏi phạm vi tỉnh Sa Đéc thì chúng tôi mới trở về đơn vị của mình để sau đó lo thi hành lệnh của Tổng Thống Dương văn Minh mà lo bàn giao đơn vị cho “Phía bên kia…”
Sau gần 7 năm tù và một năm quản chế, tôi và gia đình được định cư tại Tiểu Bang Virginia Hoa Kỳ theo diện HO 10 và sống nơi đây cho đến ngày nay.
Cũng thành thật xin lỗi quý vị và các bạn hiền, vì “tuổi già” sức yếu, trí nhớ cũng kém dần theo năm tháng nên tôi chỉ viết lại được những gì còn tồn đọng trong tôi, có thể có sai sót xin được một sự thông cảm bao dung của mọi người. Cũng vậy, vì bài viết nầy được thảo ra vào thời điểm của Tháng Tư Đen nên nếu có khi khơi lại nỗi buồn mất nước, cũng xin quý vị và các bạn một lần nữa cho tôi sự thông cảm. Cũng thành thật xin lỗi những vị hoặc các bạn tôi đã nêu tên trong bài viết nầy mà không xin phép trước… Ngoài ra trong suốt thời gian dài làm việc, tôi cũng có rất nhiều hình ảnh nhất là giai đoạn tôi đi thanh tra nhiều nơi vì tôi cũng rất thích chụp hình …Nhưng tiếc thay, trong mấy ngày đầu đầy đau thương của biến cố 30 tháng tư, người nhà của tôi đã sợ và đem đốt hầu hết tất cả những hình ảnh “lính tráng” kể cả các giấy tờ cá nhân của tôi. Nhưng đoan chắc những gì tôi kể ra đây là sự thật một trăm phần “dầu”. Tuy có khi làm chán nhưng xin quý vị bỏ ít phút để “xem qua cho biết sự tinh”, cũng như để thông cảm cho những người vì thế cuộc chung mà không làm tròn được bổn phận mình đối với đất nước. Tuy là một cấp chỉ huy nhỏ bé trong guồng máy Việt Nam Cộng Hoà, tôi cũng xin được nhận một phần trách nhiệm của mình trong việc làm mất nước đối với lịch sử của quê hương dân tộc...
Thưa quý vị và các bạn khoá 3, đa số chúng ta đã vào tuổi thất tuần có lẽ ai trong chúng ta cũng có một giây phút nào đó ngồi lại một mình mà suy nghĩ về số mạng của chính bản thân mình cũng như sự tồn vong của đất nước. Chúng ta không khỏi đau lòng khi phải nhìn về quê hương Việt Nam sắp bị diệt vong như hiện nay và có thể nói việc trực tiếp giúp cho quê hương xứ sở thì gần như đã ngoài tầm tay nơi tuổi già sức yếu của chúng ta rồi. Dĩ nhiên chúng ta cũng ráng cố gắng “còn nước còn tát”. Hy vọng hồn thiên sông núi sẽ ban một phép lạ nào để giúp cho thế hệ mai sau đem lại cho dân tộc Việt Nam một nền độc lập thật sự với đầy đủ tự do, dân chủ, nhân quyềnvà dĩ nhiên là không còn Cộng Sản. Mong lắm thay.
Thay lời kết, xin thân mến kính chúc quý Niên trưởng, quý đồng nghiệp, đồng môn, đồng khoá và gia đình luôn được nhiều sức khoẻ, an khang, thịnh vượng.
Khóa 3 Hà văn Sang
(Virginia tháng 4, 2018)