TÂM TÌNH
TÂM TÌNH CỰU SVSQ & HẬU DUỆ
TỐNG PHƯỚC KIÊN
Theo thông báo của ủy ban quân quản Sài Gòn Gia Định, ngày 27-6-1975 tôi đi trình diện tại trường Chu Văn An, rồi bị chuyển đến trại tù Tam Hiệp. Ở đó một tháng tôi lại bị chuyển vào khu An Dưỡng, Biên Hòa.
Cuối tháng tám, một vụ nổ lựu đạn nơi sân “buồng giam” gần láng tôi chỉ cách một hàng rào kẽm gai. Lúc đó vào khoảng 9 giờ tối, sau buổi sinh hoạt mỗi đêm do cán bộ quản giáo chủ trì. Sáu người chết tại chỗ trong đó có hai chiến sĩ CSQG: Đại Úy Võ Đình Tư (K6/BTV) và Đại Úy Vĩnh Mỹ tức nhạc sĩ Minh Kỳ. K1 Tống Văn Thừa và K1 Nguyễn Văn Tuyên bị thương nặng. Bạn Tuyên tưởng không qua được kiếp nạn, nhưng tử thần chê nên hiện đang định cư tại Tacoma, WA. Quả lựu đạn ấy không cần điều tra ai cũng biết là do bọn nón cối tung vào. Bởi thế VC cho người đến khảo sát hiện trường qua loa rồi chìm xuồng.
Lâu quá chẳng thấy học tập gì cả, có người mạnh dạn hỏi quản giáo là “theo thông cáo của ủy ban quân quản Sài Gòn-Gia Định chúng tôi chỉ đi học tập 10 ngày mà nay đã trên 6 tháng chúng tôi chẳng được học tập gì cả”. Quản giáo trả lời tỉnh queo: “Chẳng có thông cáo nào nói các anh đi học tập 10 ngày mà chỉ nói đem thức ăn hoặc tiền đủ cho 10 ngày”.
Gần đến cuối năm, một khóa học tập chính trị được diễn ra một cách vội vàng, hấp tấp. Làm như không học gấp thì không kịp cho ngày mãn khóa. Bài học đầu tiên là: “Đế quốc Mỹ là kẻ thù số 1 của nhân dân ta”, bài thứ hai nghe nhức nhối hơn: “Ngụy quân ngụy quyền là kẻ thù của nhân dân ta”. Mới nhìn tựa đề bài học, chúng tôi biết ngay là mình đang bị đấu tố. Những bài kế tiếp nhằm ca tụng HCM, đảng CSVN, Lao động là vinh quang… Sau mỗi bài học “cải tạo viên” phải viết bản thu hoạch mà điều quan trọng không được thiếu là phần liên hệ bản thân. Tham gia “ngụy quân ngụy quyền” tùy theo phần hành mà đánh giá mình phạm tội thế nào đối với nhân dân với “cách mạng”. Mục đích của việc học tập là để tù cải tạo nhận tội và xin khoan hồng. Có tội thì bị trừng phạt còn khoan hồng hay khoan hồng đến mức nào là do bên thắng cuộc.
Hết mùa học tập chính trị lại tiếp tục cuốc đất trồng rau. Rồi VC nghĩ ra một công việc độc đáo cho tù cải tạo thực hành bài học “Lao động là vinh quang”. Hàng ngày chúng bắt tù đi tháo gở dây kẽm gai dọc theo hàng rào phòng thủ quanh phi trường Biên Hòa bằng tay không. Dưới hàng rào còn nguyên bãi mìn mà trước đây quân trú phòng VNCH cài đặt để chống quân du kích xâm nhập đánh phá. Thành quả lao động đạt kết quả mỹ mãn: nay chỗ nầy mai chỗ khác mìn nổ ì ầm, “quân ngụy” ngã xuống người tử vong tại chỗ, kẻ cụt chân hoặc mất tay. Đó có phải là một hình thức tử hình “bọn lính đánh thuê cho đế quốc Mỹ” một cách tinh vi mà “cách mạng” không tốn một viên đạn lại tránh được tiếng cộng sản Bắc Việt tắm máu Sài Gòn???
Ngày 19-6-1976 tôi bị chuyển trại theo thành phần an ninh, tình báo và CSQG từ cấp đại úy trở lên. Ra tới sân tập trung tôi gặp lại anh Phạm Văn Đoàn, anh là sĩ quan Quân Đội biệt phái sang lực lượng CSQG. Đoàn cùng tổ với tôi nhưng bị đưa đi sống cách ly nơi căn chòi dựng lên gần dãy hố vệ sinh vì bị lao phổi. Vào trại một thời gian anh Đoàn bị cảm rồi sinh ho, khai bệnh nhưng y vụ chỉ cấp thuốc “xuyên tâm liên”. Đây là loại thuốc tiên của VC nên với bất kỳ bệnh nào cũng thứ thuốc ấy mà chữa trị. Bệnh của anh Đoàn ngày càng nặng, nước ứ đọng trong phổi rồi bị đưa đi cách ly. Dù có lệnh cấm nhưng thỉnh thoảng tôi cũng lợi dụng việc đi vệ sinh rồi lẻn vào thăm anh.
Gặp lại nhau, anh Đoàn nghẹn ngào nói với tôi:
“Tôi bị chúng nó lừa anh Kiên ạ! sáng nay tên cán bộ y vụ đến nói với tôi rằng tôi chuẩn bị tư trang để được phóng thích, cho về nhà chữa bệnh. Tôi mừng quá nên bao nhiêu thức ăn, quà cáp gia đình vừa gởi lên tôi tặng hết cho anh em trong phòng, không dè chúng đưa tôi ra đây để chuyển trại”.
Nhìn anh Đoàn đã biến dạng từ một thanh niên cao to, đẹp trai trở nên thân tàn ma dại, tôi cảm xúc đến rưng rưng nước mắt. Anh nay chỉ còn da bọc xương, mặt mày xám xịt. Đoàn phải nhờ cây gậy mới lê đi từng bước. Thấy anh ấy thở khò khè, tiếng nói đứt quãng tôi hỏi:
“Sao anh không biên thư nói gia đình gởi thuốc trị phổi lên?”.
Anh Đoàn rơm rớm nước mắt trả lời:
“Vợ tôi có gởi mấy lố Streptomycine lên, tôi mang đến y vụ xin họ chích cho tôi. Nhưng chúng nó không những không cho mà còn tịch thu hết thuốc của tôi và tiếp tục cấp Xuyên Tâm Liên như mọi ngày. Chúng nó cố tình để cho tôi chết anh Kiên ơi!”.
Chúng tôi lên những chiếc xe bít bùng chạy vào xa lộ hướng về Sài Gòn rồi rẽ xuống Tân Cảng, tất cả xuống chiếc tàu thủy mang tên “Sông Hương”. Nhiều người ước đoán là chuyển đi Côn Sơn hoặc Phú Quốc. Mọi người đều bị lùa xuống dưới hầm tàu.
Gặp lại Phạm Bá Lộc và Lê Việt Hằng, ba anh em chọn một chỗ trên sàn gỗ ngay dưới khoảng trống thông lên boong để bớt không khí ngột ngạt. Rồi “cải tạo viên” từ nhiều trại khác xuống tàu, số người chất chứa đến chừng năm sáu ngàn, chen ép vào nhau như một hộp cá mòi khổng lồ.
Nơi chân cầu thang dẫn lên boong tàu được đặt hai thùng gỗ giống như máng ăn của lợn, dùng cho tù đi tiêu đi tiểu. Khi nào hai thùng phân và nước tiểu đầy, cai tù cho bốn người bê lên boong đổ xuống biển. Ban đêm dù phân và nước tiểu có tràn đổ xuống sàn tàu cũng không được mang đi đổ. Mỗi lần con tàu chao nghiêng vì sóng biển thì chao ơi! một hợp chất gồm nước biển, dầu máy, phân người và nước tiểu tràn lên sàn tàu làm ướt nhẹp không những đồ đạc mà cả người ngợm của đám tù khốn khổ. Để giảm thiểu việc đi tiêu đi tiểu, tôi đã phải nhịn ăn nhịn uống suốt hành trình trên tàu thủy.
Đến nửa đêm thứ nhì, có tiếng kêu cấp cứu vì hai bệnh nhân ngộp thở. Đó là hai bộ xương biết cử động của anh Hồ và anh Đoàn. Anh Hồ bị chứng rối loạn tiêu hóa nhưng không có thuốc chữa trị nên sinh trầm trọng rồi thức ăn không tiêu, đi cầu thức ăn vẫn còn nguyên. Nhờ không khí thoáng mát hai bệnh nhân mới hồi tỉnh được.
Sau hai đêm hai ngày tàu dừng lại, mấy người lên boong đổ phân xuống nói không biết đây là cửa biển nào mà có núi giống như núi Sơn Trà, Đà Nẵng. Sau đó có một “cán bộ” cầm loa thông báo: “Đây là cảng Hải Phòng, các anh đang đặt chân đến miền Bắc XHCN, chúc các anh học tập tốt, cải tạo tốt để sớm được về đoàn tụ với gia đình”.
Chúng tôi bị áp tải băng qua một cánh đồng hẹp mà đám bộ đội luôn luôn ghìm AK chỉa thẳng mủi súng vào mình. Đến mấy dãy nhà kho chứa hàng của ga xe lửa cảng Hải Phòng thì trời đã tối mịt.
Suốt hai ngày hai đêm trong hầm tàu ai cũng hôi hám nhốp nháp, thấy phía sau dãy nhà kho một cái hồ dài và khá rộng mọi người bèn ùa xuống tắm gội mặc cho đám bộ đội la hét cấm cản. Tắm xong tôi cảm thấy khoan khoái trong người, mặc bộ áo quần sạch sẽ vào rồi cùng với Hằng và Lộc trải tấm bạt nơi góc nhà kho, lấy tư trang làm gối. Đêm đó tôi có một giấc ngủ tưởng như chưa bao giờ ngủ ngon như thế.
Sáng ra chúng tôi đi ra đằng sau tìm nước rửa mặt, nhìn xuống hồ mà hồi hôm chúng tôi lặn hụp thoải mái trong đó thì eo ơi!!! rác rưởi và phân người bập bềnh khắp mặt nước. Thì ra người dân XHCN ở đây dùng cái hồ nầy làm hố xí công cộng. Ba đứa chúng tôi nhìn nhau lắc đầu cười mà như mếu.
Ăn trưa xong, sực nhớ đến anh Đoàn tôi vội rảo tìm thăm anh ấy. Gặp anh Đoàn nằm trên chiếc cáng nơi dãy nhà kho cuối cùng. Cách đó không xa anh Hồ cũng đang nằm bất động trên cáng. Nhiều anh em bạn tù vây quanh thăm hỏi, an ủi hai bệnh nhân.
Thấy tôi, ánh mắt anh Đoàn như sáng lên một chút. Tôi ngồi xuống cầm lấy bàn tay xương xẩu của anh và hỏi: “anh cảm thấy sức khỏe thế nào?”. Đoàn thều thào: “tôi mệt lắm và khó thở”. Tôi chỉ biết an ủi và hứa tiếp tục cầu nguyện cho anh được chóng lành bệnh. Anh ấy khe khẽ gật đầu rồi nhờ tôi đi tìm anh Nguyễn Văn Thế đến cho anh gặp.
Anh Thế là Tổ Trưởng của tôi và anh Đoàn khi còn ở với nhau trong trại An Dưỡng. Khi quay trở lại cùng anh Thế thì anh Đoàn nằm yên, đôi mắt nhắm nghiền, tay phải cầm tràng hạt mân côi đặt trên ngực. Lúc ấy không có ai ở chung quanh, có lẽ ai cũng muốn dành sự yên lặng cho bệnh nhân nghỉ ngơi.
Hai anh em tôi nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh giữ im lặng cho Đoàn ngủ. Anh Đoàn mở mắt ngước nhìn anh Thế, giây lát mới nói với giọng nghẹn ngào đứt đoạn: “Tôi…không xong…rồi…anh Thế ạ!..” Anh Thế và tôi chẳng biết làm gì hơn là an ủi. Liếc mắt nhìn chung quanh không thấy ai để ý đến chúng tôi, anh Đoàn thò tay vào túi lấy ra một mảnh giấy xếp gọn rồi dúi vào tay anh Thế và nói: “Anh giữ kỹ…cái nầy…khi nào…anh được tha về…thì trao nó…cho vợ tôi…”. Khó nhọc nói xong những lời trối trăn ấy thì nước mắt anh chảy dài.
Tiếng còi ré lên từ đầu đến cuối dãy thúc dục tù nhân trở về đội để chuẩn bị di chuyển. Anh Thế khuyên anh Đoàn giữ gìn sức khỏe và nhắc nhở “nhớ luôn cầu nguyện cho nhau”.
Chúng tôi được dồn lên những toa xe lữa chở than hoặc súc vật, sàn tàu đầy rác rưởi, hôi hám. Trước khi khởi hành, cửa các toa tàu được đóng lại và khóa trái ở bên ngoài để yên trí là “bầy thú” sẽ không sổng chuồng. Con tàu cũ kỹ, rỉ sét dường như còn sót lại từ sau đệ nhị thế chiến. Đường sắt gập gềnh khiến đôi lúc tôi cảm thấy toa tàu như muốn lao ra khỏi đường rầy. Mỗi khi bị thắng lại, con tàu dồn tới khiến các móc nối toa tàu va chạm với nhau nghe ầm ầm đến điếc tai. Có nhiều người bị toa tàu giật mạnh đầu đập vào thành toa kêu la oai oái.
Tàu lửa băng qua những làng mạc nghèo nàn xác xơ, hầu hết là những túp lều mái tranh vách đất. Ruộng đồng hai bên đường tôi thấy khác hẳn với những gì mà cán bộ giảng viên từ miền bắc nói khi lên lớp cho chúng tôi ở trong nam. “Giảng viên” nói rằng nông nghiệp của miền bắc XHCN đã cơ giới hóa. Còn công nghiệp thì hết sẩy: Nhà máy đường chẳng hạn, bỏ mía vào đằng nầy thì đằng kia xuất ra năm mặt hàng, nào đường, nào giấy… Rồi hắn nói tiếp: Đời sống hiện nay của nhân dân miền bắc đang tiến đến mức “làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu”. Đâu phải “phồn vinh giả tạo” như miền nam. Trong những ngày tới đảng và nhà nước không chỉ cho thành phần “ngụy quân ngụy quyền” học tập cải tạo mà toàn bộ nhân dân miền nam cũng được học tập để mọi người thấy được chính sách khoan hồng và nhân đạo toàn diện của “bác và đảng” để đưa miền nam tiến lên cho kịp miền bắc XHCN.
Nay nhìn khắp cánh đồng chỉ thấy toàn trâu với bò. Có những thửa ruộng cỏn con mà có tới năm bảy cặp trâu cày bừa. Đúng là “nói láo như vẹm”.
Tàu đổ xuống ở ga Yên Bái, bộ đội áp giải cho gom lại cứ 50 người thành một nhóm. Lê Việt Hằng, Phạm bá Lộc và tôi theo sát nhau để được ở chung một nhóm, đi đâu cũng có nhau. Bác Huy (cùng tổ với tôi ở trại An Dưỡng) nói với tôi là ông đi tìm nhóm người già để theo họ, đi theo đám trẻ sợ không kham nổi chỉ tiêu lao động. Ít lâu sau nghe tin bác Huy đột quỵ chết đang lúc cuốc đất trồng khoai.
Chúng tôi được dẫn bộ băng qua thành phố Yên Bái đến bến phà Ô Lâu để sang bên kia sông Hồng. Dọc đường chốc chốc lại gặp một đám dân chúng già trẻ lớn bé, họ dàn chào chúng tôi bằng những câu chửi rủa: “chúng mày là bọn phản quốc, là lính đánh thuê cho đế quốc Mỹ. Chúng mày chuyên đi càn cướp của giết hại nhân dân…” Có nhiều đứa trẻ ném đá vào chúng tôi. Tới đâu cũng nghe một lối chửi bới, nói móc như nhau nên tôi biết ngay đây là vở kịch do bọn cộng sản từ trung ương đến địa phương dàn dựng.
Qua khỏi sông Hồng, chúng tôi lên một đoàn Motolova đang chờ sẵn. Xe chạy trên đường rừng gập ghềnh khoảng hơn hai giờ đồng hồ thì đến trại 4 thuộc Liên Trại 1 nằm trong địa bàn xã Việt Hồng, huyện Yên Bình, tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Trại tù ngăn cách với khu nhà của BCH trại bởi một con suối có chiếc cầu bằng ván khá rộng bắt ngang.
Khuôn viên trại lọt thỏm trong một thung lũng nhỏ, chung quanh được che chắn bởi những ngọn núi cao vút. Bốn dãy láng dài mái tranh vách nứa được dựng lên theo hính chữ U. Đội của tôi được chỉ định vảo một trong hai láng của đáy chữ U mà công trình chưa hoàn tất.
Ánh mặt trời còn thắp sáng ngọn cây trên đỉnh núi mà trong nhà đã âm u. Vừa lãnh xong phần ăn tối thì chao ôi! Muỗi. Đàn muỗi đói hằng hà sa số từ khu rừng chung quanh đánh hơi mùi vị của sáu trăm nhân mạng đang dẫn xác đến đây làm mồi. Thế là chúng hùa nhau bay tới tranh kiếm một bữa liên hoan. Đám tù chúng tôi kinh hoàng bèn vào sạp của mình treo mùng lên trốn giặc muỗi.
Hôm sau, chưa có kẻn báo thức của trại mà tất cả phải dậy vì tiếng vượn hú trong sườn núi phía sau. Rồi có tiếng la oai oái của một số anh em trong các láng vì bị vắt chui vào nách hoặc háng hút máu.
Để xua đuổi bớt muỗi và vắt, mỗi buổi chiều tàn chúng tôi gom cỏ rác thành từng đống chung quanh các láng đốt lên, dùng khói xua muỗi và vắt dạt xa chỗ ăn ở của mình.
Chúng tôi phải trải qua mấy hôm học tập nội quy và viết lý lịch trích ngang, trong khi đó một nhóm tù cũ năm sáu người vẫn tiếp tục công việc của họ để hoàn tất dãy láng của tôi. Trong giờ giải lao, tôi đến giúp các anh ấy làm nhà. Trong số đó có một anh là Biệt Kích nhảy Bắc trước năm 1963, một anh khác tự giới thiệu tên Ba, Trung Úy Trưởng Ban 3 thuộc Trung Đoàn 56 của Trung Tá Phạm văn Đính. Trung Tá Đính là người đã dẫn cả BCH Trung Đoàn ra đầu hàng khi VC tấn công Sư Đoàn 3BB vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Trung Tá Đính bằng lòng về hợp tác với VC nên được phục hồi cấp Trung Tá trong hàng ngũ “bộ đội cụ hồ”.
Tôi hỏi Trung Úy Ba: “tại sao anh không được trao trả theo Hiệp Định Paris năm 1973?”. Anh Ba trả lời: “Không phải chỉ một mình tôi mà còn có nhiều người nữa, VC thấy ai có tinh thần Quốc Gia vững chắc, không chịu khuất phục chúng nó như trường hợp Trung Tá Trần Ngọc Huế chẳng hạn đều bị chúng giữ lại. Chúng xem cái Hiệp Định Ba Lê như tờ giấy lộn, lật lọng là nghề của cộng sản mà”.
Sau thời gian ngắn ngủi làm thủ tục nhập gia chúng tôi trở lại với nếp sống cũ của người tù cải tạo, nói đúng hơn là “khổ sai biệt xứ”. Tiêu chuẩn thì ít mà chỉ tiêu thì nhiều.
Lao động cải tạo ở đây chỉ có hai việc: lâm nghiệp và nông nghiệp.
Tôi thuộc thành phần lên rừng đốn cây chặt nứa. Phải trèo từ núi nầy qua núi khác để chặt cho được ba bó nứa theo chỉ tiêu trại ấn định. Chỉ chừng một tiếng đồng hồ là chặt và cột xong ba bó nứa, nhưng mang được cả ba bó nứa về trại trước lúc trời tối thì ít ai đạt được. Chuyền dần từng bó nứa, lên dốc xuống núi mà bó nứa cứ vướng trước vướng sau khiến bó nứa không nặng cũng trở nên nặng. Còn con vắt thì ôi thôi khỏi nói cứ có hơi người là rào rào phóng tới, khi bám được vào ai thì lặng lẽ chui vào chỗ nào kín rồi êm ả hút máu. Khi mình phát hiện được thì bụng của nó đã căng đầy máu của mình rồi. Một lần nọ, trên đường vác nứa về trại tôi ngồi xuống mỏm đá nghỉ mệt. Nhìn xuống chân thấy chiếc dép bên phải đã nhuộm đỏ bởi máu của mình. Một con vắt chui vào dưới quai dép hút máu no nê rồi nhả ra từ hồi nào chẳng biết. Cũng như đỉa, nước miếng con vắt làm cho vết cắn không đông máu nên máu cứ rỉ hoài. Về trại tôi rửa vết vắt cắn cho sạch, xin ít cọng thuốc lá rịt vào rồi lấy dây vải cột lại, mấy tiếng đồng hồ sau mới cầm được máu. Sau nầy nhờ dân địa phương bày cách cầm máu bằng bông của cây rau tàu bay thì lúc nào trong túi của tôi cũng có một gói bông của loại cây rau ấy. Thật thần kỳ, bị vắt cắn đắp bông tàu bay vào là máu cầm lại tức khắc.
Dân chúng trong xã Việt Hồng không đông, đa số họ là dân Quỳnh Lưu bị chỉ định cư trú sau biến cố làng Công Giáo nầy nổi lên chống nhà cầm quyền CSVN cướp ruộng đất của họ năm 1956. Tôi có dịp gặp một cụ già khi tôi nghỉ mệt trên đường vác nứa về trại. Ông ấy nói với tôi: “Chúng tôi mong từng ngày các anh ra giải phóng cho chúng tôi, không ngờ các anh ra đây như thế nầy, đúng là ý Trời”.
Nhóm lên rừng quá vất vả cực nhọc còn thành phần nông nghiệp cũng chẳng khá gì. Hai đường đều khổ “lên rừng vắt cắn, xuống đồng đỉa đeo”. Bao nhiêu năm cầm chắc tay súng xông pha ngoài trận tuyến, vào sanh ra tử, khổ cực gian nan mà không nao núng; nhưng nay lúng túng với cái cuốc cây mạ, người chiến sĩ VNCH trông thảm hại ê chề.
Mới chừng mười hôm xuống đồng làm ruộng có người bị sốt, sau một đêm nước da biến thành màu vàng. Y Vụ cấp thuốc cảm sốt nhưng không thuyên giảm. Chỉ sau mấy hôm bệnh nhân rơi vào hôn mê, trại chuyển đi trạm xá của Đoàn nhưng không cứu được. Tình trạng sốt vàng da cấp tính nơi các đội nông nghiệp ngày càng nhiều. Nhiễm bệnh chừng vài hôm, chuyển lên Đoàn ít bữa lại có tin báo về đã chết. Mới chừng một tháng đến trại nầy mà đã có khoảng mười người chết bởi chứng bệnh ác nghiệt nầy. Nỗi lo âu hằn lên nết mặt mỗi người. Những cái chết tức tưởi dường như đeo bám theo số phận hẩm hiu của đám tù cải tạo. Vừa xa lánh tử thần lảng vảng trên hàng rào phi trường Biên Hòa lại vướng vào cánh đồng sát nhân.
Không khí trong trại nặng nề u ám, đám tù chúng tôi phần thì buồn thương bạn hữu của mình chết một cách oan ức, phần thì lo lắng vì tử thần như lơ lửng trong trại tù. Viên trại trưởng, một đại úy “bộ đội cụ hồ” hắn trấn an anh em chúng tôi và hứa nỗ lực chận đứng chứng sốt quái ác nầy. Mỗi lần có người bị sốt, y chỉ thị cho y vụ chuyển ngay đi trạm xá Đoàn. Nhờ thế mà có nhiều người được cứu sống. Cũng nhờ những bệnh nhân được đi chữa trị ở trạm xá của Đoàn (BCH liên trại) mà chúng tôi biêt được anh Hồ qua đời sau ba ngày ra bắc và anh Đoàn chết bảy ngày sau đó.
Mỗi buổi chiều sau giờ lao động, trại trưởng đi xuống trại giam có khi đi quanh trong sân chuyện trò với người nầy người khác, có khi vào các láng chia xẻ cho mấy con nghiện thuốc lá một ít thuốc lào. Hắn ta có vẻ thân thiện với tù và quan tâm đến đời sống của chúng tôi. Mỗi lần có xe tiếp tế nhu yếu phẩm cho tù thì y cho gọi các đội cử người lên BCH mang về phân phát cho từng người, không phải nhập kho rồi mới phân phối.
Một đêm nọ, chúng tôi đã vào mùng sau kẻng báo giờ ngủ, bỗng có lệnh của trại trưởng gọi các đội cử người lên sân BCH lãnh nhu yếu phẩm của trên cấp. Khoảng hai mươi người được cử đi trong đó có tôi.
Khi chúng tôi lên tới vuông sân trước BCH trại thì xe chở phẩm vật cho tù chưa đến. Viên trại trưởng nói:
- "Xe chở nhu yếu phẩm đang trên đường đến trại. Tôi muốn gọi các anh lên để khi xe đến là phân phối xuống ngay cho từng người. Nhập kho một đêm chắc chắn chuột sẽ phá phách quà cáp của các anh không nhiều thì ít”.
Tôi thầm nghĩ trong lòng là chuột hai chân phá bạo hơn chuột bốn chân gấp nhiều lần. Ngưng giây lát hắn nói tiếp:
- “Chiến tranh đã chấm dứt, đất nước được thống nhất, đó là thắng lợi của cả dân tộc chúng ta. Các anh được đảng và nhà nước tạo điều kiện cho đi lao động cải tạo để sau khi được tha về với gia đình dể hội nhập với một xã hội mới. Các anh cố gắng học tập tốt cải tạo tốt để sớm được khoan hồng. Chúng ta đều là người Việt, nhưng vì hoàn cảnh lịch sử mà các anh và chúng tôi đứng về hai phía. Nếu năm 1954 “bác hồ” chọn nửa nước từ vĩ tuyến 17 trở vào thì bây giờ các anh là quản giáo và tôi là cải tạo viên. Tôi cũng đã từng bị giam giữ tại trại tù binh Phú Quốc 2 năm cho đến khi Hiệp Định Ba Lê được ký kết."
Nãy giờ chúng tôi lót dép ngồi nghe, mặc, nó nói gì thì nói. Từ nam chí bắc bọn quản giáo tên nào cũng chỉ là cái loa của đảng hát tới hát lui cái điệp khúc: “học tập tốt, cải tạo tốt để sớm được đảng và nhà nước khoan hồng”. Bỗng có một người nào đó ở cuối sân lên tiếng hỏi:
- “Thưa cán bộ, trong thời gian cán bộ bị bắt làm tù binh rồi chế độ Miền Nam đối xử với cán bộ như thế nào?”.
Bất ngờ có người đặt câu hỏi hắn cười lên một tiếng rồi vui vẻ trả lời:
“Công bình mà nói thì chúng tôi được đối xử tử tế. Tù binh không phải đi lao động gì cả, ai muốn có một ít thời gian vận động để dãn gân dãn cốt thì đăng ký đi làm tạp dịch như làm vệ sinh doanh trại, nhổ cỏ… Mỗi tháng lại được cấp phát ba ngàn đồng để mua hàng ở căn-tin”.
Tiếng xe tải chở hàng gầm rú ngoài cổng trại cắt đứt câu chuyện của cai tù, chúng tôi tự động đứng dậy chờ nhận nhu yếu phẩm cho anh em. Tiếp phẩm cho tù thì không nhiều nhưng có nhiều người trông ngóng nó như những đứa trẻ chờ mẹ đi chợ về, đó những tay ghiền thuốc lá. Họ thèm một hơi thuốc lá đến nỗi quên mất cả tư cách của mình, thấy quản giáo hoặc quản chế vất cái tàn thuốc liền nhào tới chộp lấy.
Sau ba tháng ở trại nầy, sáu trăm tù nhân bị tách làm đôi. Một nửa chuyển lên vùng núi Vân Bàng, tôi thuộc nửa còn lại chuyển đi trại 3 thuộc Liên Trại 4 ở xã Cẩm Nhân, Huyện Trấn Yên nằm bên ven bờ hồ Thác Bà.
Mùa hè năm 1979 tôi gặp lại các bạn bị chuyển đi Vân Bàng tại trại Nam Hà mới biết chỉ 6 tháng khai hoang trên vùng núi đã bị lam sơn chướng khí cướp mất sinh mạng khoảng một nửa, số còn lại đều bệnh nặng phải chuyển về trại Sơn La.
Nhóm ba trăm người chúng tôi chỉ có một mình K1 Lê Văn Chương bị bỏ mạng dưới hồ Thác Bà. Một buổi chiều các tổ đội đang chia phần ăn tối thì Chương xuống hồ tắm giặt, chẳng ai để ý là anh ấy đã về hay chưa cho đến khi điểm danh tối mọi người mới biết. Sáng hôm sau tù nhân vẫn xuất trại lao động như thường lệ. Chiều về nhập trại thì người bạn cùng khóa của tôi đã bị bó chiếu đem chôn ở ngọn đồi gần trại. Sáng hôm sau, cả trai được lệnh tập trung lên hội trường. Tên trại trưởng lên án anh Lê Văn Chương” chống đối cách mạng bằng hành vi tự tử”…
K1 Tống Phước Kiên