top of page
Banner edge

TÂM TÌNH

TT CSVSQ-HD 1.png

TÂM TÌNH CỰU SVSQ & HẬU DUỆ

TT CSVSQ-HD 2.png
NVA, NGƯỜI CAI LẬY

Thiếu úy Nam tốt-nghiệp  khóa 6 Học-viện CSQG tháng 10/1972. Anh được  bổ-nhiệm đến BCH/CSQG tỉnh  VB, rồi được phái đi làm Trưởng Cuộc xã Long Toàn, Quận Long Toàn. Đây  là xã Quận-lỵ của Quận, tuy xa cách thành-phố, nhưng tương-đối tốt hơn 2  xã cùng Quận: Long Vĩnh và Long  Hữu.


Quận Long Toàn nằm sát  Biển Ba Động, là một vùng rừng ven biển đầy những cây giá, cây chà-là,  đước mà các sông rạch nước lợ tích trữ đầy tôm cá  và thú rừng. Vì là  mật-khu của VC nên dân chúng ít dám léo hánh vô khai  thác. Thành ra đây  là nguồn lợi nuôi "mập" bọn công-phỉ sinh sống, ẩn náu và tập trung để  mở những cuộc tấn công vào các khu vực Quốc Gia.


Thiếu úy Nam với Phó  Trưởng cuộc là Trung sĩ nhứt Thạch Sen cùng 08 nhân viên chỉ hoạt động  ban ngày chung quanh Quận là 5 xã có dân cư, được bảo vệ  bởi 2  Trung-đội Nghĩa Quân, 1 Trung đội 6 CSDC được tăng phái từng 3  tháng  luân-phiên với các trung đội Bạn.


Nam thường đi quan sát tình hình xã với Thiếu-úy Công, Trung đội trưởng  CSDC ở các ấp ven quận. Sự siêng năng và tính cách thân-thiện của Nam  gây được cảm tình của người dân ở đây. Có gần phân nửa dân là người Việt  gốc Khmer, là sắc dân chất-phác, thật thà.


Nam sống độc thân nên  chàng ăn cơm tháng ở nhà một nhân viên dưới quyền là Trung sĩ nhứt  Tư-pháp Kim ngọc Tha. Trung sĩ Tha có một con gái đang tuổi cặp kê, đang  học lớp Đệ Tứ ở một trường Trung học Tỉnh-Hạt Quận Cầu Ngang giáp ranh  với Quận Long Toàn, mà cách giao-thông duy nhứt là đi đò máy từ xã Ngũ  Lạc tới LT. Năm 1973, VC đã phục kích sát hại một Thiếu  úy, Xử lý  Thường vụ CHT/CSQG/Q là Thiếu úy DiệpThế Cương, khi trên  đường trở  về Tỉnh dự họp, mà không chịu chờ trực-thăng tới rước cùng với bên Chi  Khu.


Cô Nguyệt, 17 tuổi, có một vẻ đẹp e-ấp, đơn-sơ với mái tóc đen đen phủ  "kín vai gầy"! Nguyệt về thăm ba má trong dịp bãi trường. Do đó được   quen với Nam, người ăn cơm tháng nhà mình. Dịp nầy Nam có cơ-hội phô  trương tài học của mình qua việc dạy kèm cho em. Thấy con gái và Sếp  thân mật nhưng vẫn có khoảng cách nên vợ chồng Trung sĩ Tha cũng yên  tâm, đồng thời sự học của Bé Nguyệt có phần tăng tiến, nhứt là môn Toán.


"Lửa gần rơm không trèm  thì trụa". Trong một lần đi Tỉnh dự họp tại BCH Tỉnh  theo định-kỳ mỗi  năm, Nam được trực thăng chở về Tỉnh, một mình. Sau  khi tan cuộc họp  vào trưa ngày hôm sau, Nam đi xe đò xuống Quận lỵ Cầu Ngang, trong phạm  vi xã Mỹ Hòa ( quê-quán của Nhạc sĩ Trúc-Phương), tìm thăm Bé. Việc gì  đến phải đến! Cuộc tình nầy đã cho ra đời một bé gái.  Rồi chiến cuộc  tràn lan khắp núi sông. Vùng 2 di tản, quốc lộ 7 kinh  hoàng ngập xác  người dân và người lính trên đường xa lánh giặc thù hung bạo. Vùng 1  cùng chung số phận vào những ngày cuối tháng 3/1975. Cuộc chống cự hiên  ngang của Sư đoàn 18 không ngăn được đoàn quân xâm lược khát máu và  u-mê, lũ quỷ đỏ từ miền Bắc kéo vào. Dấu chấm hết cho VNCH lúc 10 giờ  sáng 30/04/1975. Toàn dân Nam đau thương uất nghẹn, ồ ạt ra  đi như ngày  nào sau tháng 7/1954, tìm cái sống trong cái chết. ( Gia  đình tôi cũng  đã là người di-cư lánh nạn Vẹm từ những năm 1946, cái gọi  là nam bộ  kháng chiến, ra vùng Quốc gia.)


Ngay trong ngày 30, Nam và  một nhân viên thân tín băng rừng chạy ra biển Ba động cách đó hơn 10  km. May mắn thay hai người gặp tàu Tuần Giang của  Hải Quân chạy ra cửa  Cổ chiên từ căn cứ Đại đội 19 Tuần giang. Nam cởi áo thun trắng phất lên  làm hiệu rồi chạy ra bờ biển cát vàng phẳng lì ra  tới bờ nước. Đại úy  Hòa, Đại đội Trưởng cho tàu ghé vô rước hai chiến  hữu CSQG. (may mà Nam  còn chiếc áo CSDC tôi tặng cho nên Đại úy Hòa  nhận được là quân bạn.  Trong quá khứ Tàu TG đã từng chở CSDC hành quân  truy tìm VC ở Cù lao  Thạnh Phong giáp ranh Kiến Hòa/Vĩnh Bình trong khi  phối hợp HQ của 2  Tỉnh.)


Hai thầy trò Thiếu-úy Nam  thiệt là may mắn vì tới bờ biển Ba-động đúng lúc  tàu Tuần-giang của  Đại-úy Hòa cũng ra khỏi phạm vi Cửa Cổ Chiên, chỉ cách căn cứ Bãi Vàng,  xã Hưng Mỹ, Châu thành chưa tới 20 cây số. Vào khoảng 1 giờ trưa, sau  khi có lịnh đầu hàng ở Sài gòn, Ông Hòa có gọi các đơn vị trên tần-số  truyền tin Tiểu khu rằng sẽ đợi các bạn ra khơi  cho tới lúc 2 giờ để di  tản. Sau giờ đó thì tàu sẽ nhổ neo, dứt khoát không chờ. Tôi có một  PRC-25, thuộc hệ thống Tiểu khu VB, nên nghe được  mọi biến chuyển của  tình thế trong Tỉnh.


Nam ra đi chắc mang theo  hình ảnh dễ thương của người yêu bé bỏng và một hòn máu không biết là  trai hay gái. Bé Nguyệt, Kim thị Nguyệt, cô gái Miên lai có nước da ngăm  ngăm bánh ít, đôi mắt đen nhánh sau hàng mi cong dài, vóc người thon  thả đã thu hút tâm hồn chàng Thiếu úy trẻ trung vừa bước vào đời.


Trung sĩ Tha trình diện và  bị tập trung "cải tạo" ở Trại Bến Giá, rồi qua Trại Cây Me và được thả  vào tháng 3/1976. Tôi có lần thấy Vợ Tha, người Việt miền quê Long toàn  hiền lành, chất-phác, cùng Bé Nguyệt đến thăm  nuôi, khi tôi cất nhà  thăm nuôi ở cạnh đường lộ nối Chợ Long Toàn và Xã Bến Giá, phía ngoài  của Trại. Hai má con có vẻ bơ-phờ, hốc hác và lam lủ vì cuộc sống khó  khăn khi không có người đàn ông trụ cột trong nhà. Khi trở vô trại  (phòng giam), tôi có hỏi thăm hoàn cảnh của anh (Tha là cựu nhân viên  CSDC, qua sắc-phục năm 1970). Tha nói vợ con về định cư ở xóm chợ Long Toàn vừa phục hồi sau ngày "hòa-bình", cùng với nhiều gia đình tản cư  khác tái lập cuộc sống. Hai má con chằm lá, bán quán tạp hóa  sống qua  ngày chờ Tha về, tuy không biết đến bao giờ!


Tôi bị chuyển trại ra miền  Bắc vào ngày 26/11/1976 nên coi như "vĩnh biệt".  Trại Cây Me và khu  vực Long Toàn mà có lúc mấy tháng liền tôi ở trong tổ xây cất nhà cho  dân hồi-cư. Chợ LT cách Trại hơn 2 cây số về hướng Cồn cù.


Phần Nam đi thoát trưa ngày 30-04-1975 đã an-cư lạc nghiệp sau nhiều lần  dời đổi. Tình cờ tôi gặp lại Nam ở Thành phố Roanoke, Virginia khi tôi   tham gia thành lập Hội Cựu Tù nhân Chính-trị ở đây và các thị trấn và  thị xã chung quanh như: Rocky Mount, Martinsville, Salem.... Anh em có   mặt vào khoảng 40 người. Nam rất sốt sắng hướng dẫn và giúp đở những   người mới chúng tôi.


Nhờ tới Mỹ ngay ngày đầu  tiên mất nước, Nam học thêm và đậu bằng kỷ-sư nên Nam đã tạo được một  đời sống khá tốt đẹp. Nam để dành tiền làm ra để gởi về cho ba má và 4  anh chị em còn ở Ngoại ô SG, khoảng An lạc, Phú lâm Quận 6. Nhờ tính  tình hiền hòa, thân thiện, khiêm tốn nên Nam được chúng tôi trong Hội  yêu mến. Có anh muốn chọn Nam làm rễ nhưng Nam hẹn lần  hồi mà không dứt  khoát nên lần lượt các Cô H.O. lên xe bông của nhiều thanh niên khác,  trong đó có Cô trưởng-nữ của tôi.


Nam chọn Roanoke, VA để  định cư vì thích môi trường sống ít phức tạp như nhiều thành phố lớn  khác mà anh đã đi qua. Roanoke là một trong những thành phố lớn của  Virginia, nằm ở vùng Tây-Nam, là nơi đặt các cơ-quan công-quyền của  Liên-bang và TB, cho dân cư khu vực chiếm khoảng 1/5 TB.  Nam là kỷ sư  cơ khí của hãng xe lửa Norlfork Southern, vận chuyển than đá phân phối  cho North Carolina và Tennessee....


Nam  thích nghe chuyện ở  VB từ sau ngày thua cuộc, nhứt là thời gian tôi ở chung trại với Kim  Ngọc Tha ở Cây Me, và rất vui khi nghe Tha đã được thả về tháng 3/1976.  Nhưng anh thất vọng khi tôi không cung cấp thêm tin tức gì sau ngày tôi  về và đôi lần trở lại Trà vinh gặp gỡ bạn CSDC và  CSQG cũ. Tôi hứa sẽ  nhờ anh em thân thích cũ dò la tin của Anh Trung sĩ Tha.


Cuộc sống bận rộn trong công việc và chăm sóc gia-đình 1 vợ + 6 con làm hai chúng tôi ít có cơ hội gặp nhau.


Một ngày của năm 1996, Nam  gọi và mời tôi tới nhà ở Roanoke mà Nam vừa mua để thực hiện cuộc sống  "an-cư lạc nghiệp" cho một nam nhân đã ngoại tứ tuần!


Cuối tuần đó, tôi không làm thêm giờ, nên gọi và cho anh biết tôi sẽ tới nhà vào khoảng xế chiều.


Ngôi  nhà Nam ở nằm trong  khu dân-cư phía Nam của Roanoke county, cách nhà  tôi ở Rocky Mount hơn  40 phút xe, cũng về hướng Nam của xa-lộ 220. Cách  bài trí trong nhà  giống như cho người có vợ con ở chung.


Nam mời tôi đối ẩm chỉ có 2 người, và giữ tôi ở lại qua đêm, để anh "cạn giòng tâm-sự" ấp ủ gần 1 năm rồi.


Năm  1995, 20 năm sau, Nam  về nước thăm ba má và anh chị em và tìm "dấu  người xưa".  Anh trở lại  Trà vinh là tỉnh lỵ Phú Vinh ngày trước, là tên  tỉnh lấy lại từ nguồn  gốc Khmer.


Nam tình cờ gặp Hải, cùng khóa 6 HV, nguyên là trưởng cuộc CSQG như Nam,  đang đi bán vé số ở các quán ăn trên Đại-lộ Gia-long (tên cũ) ở trung  tâm thị xã. Nam mời Hải ăn sáng và nhờ Hải tìm thêm những bạn K6 đang  sống ở đây. Hải "cải-tạo" dưới 3 năm, được cho về sớm. Nghe nói có bà  con làm lớn trong "quỹ ban quân-quản", bão lãnh cho. Sự đời đúng như  cổ-nhân nói "trong họa có phước" và "trong phước có họa"! Hải không đủ  điều kiện để đi H.O. nên phải sống lang thang như thế. Nghe câu chuyện  nầy những ai bị "cải tạo" lâu cảm thấy "tự an-ủi" khi cả gia-đình đi Mỹ  xây dựng cuộc đời mới từ số không to tướng. Và tiến tới sự thành-đạt  không ngờ của các con-cháu. Những cựu tù nhân chính-trị không đi định cư  ở Mỹ theo "chương-trình tái định-cư" qua thỏa-thuận của Chính-phủ của  Tổng-thống Ronald Reagan, 2 nhiệm-ký từ 1980-1988, và nhà cầm quyền   cộng-sản Hà nội, là số rất ít. Một là có cha đi tập kết từ 1954 rồi trở  về Nam. Hai là có bà con xa-gần gì đó được bảo lãnh ra tù sớm. Ba là có  tiền lo lót cho cán bộ cộng sản để lãnh ra. Và bốn là những ai có đủ   điều kiện ( ở tù 3 năm trở lên) mà không muốn đi. Đặc biệt lại có một  số  cựu tù bị "lộn-xộn" giấy tờ mà phái đoàn Mỹ phỏng vấn từ chối.


Do đó Nam chỉ gặp được vài  ba đồng khóa, đồng cấp Trưởng-cuộc như Hải, hoặc Trung đội trưởng CSDC  như Trà Võ, hay như Thuyền trưởng Giang cảnh Suôn Trần.


Những bạn nầy chỉ tạm sống được, chỉ ít khó khăn hơn so với đại đa số   đồng-bào. Nên khi tái-ngộ sau 20 năm dâu biển, họ có một cuộc nhậu   "linh-đình" do một "Việt-Kiều" đãi-đằng, rồi cùng nhau ăn uống,   hàn-huyên tâm-sự.


Nam cố ý qua các bạn nầy  dò tìm tung tích của Bé Nguyệt ngày xưa và nhứt là "giọt máu" của mình.  Nhưng cả 3 bạn cũ không cung cấp tin tức gì khả dĩ có manh mối.


Sau khi tiệc tàn, Nam đã  say xỉn và được dìu về phòng ngủ "Hữu-Nghị" nơi Nam ở trọ trong thời  gian nầy. Vừa vô phòng là Nam đã nằm lăn trên  giường ngáy pho-pho. Hải  trở ra và sau đó dẫn vào một cô gái tuổi độ 20,  nhờ săn sóc cho Nam.


Cô  gái có nước da ngăm  đen của một người mang 2 giòng máu Việt-Miên. Mái tóc đen buông xõa phủ  kín bờ vai gầy. Đôi mắt đen u-hoài chất chứa nỗi buồn xa thẳm. Qua nhan  sắc và cung cách của cô, không thể hình dung được đây là một "gái ăn  sương"!


Cô gái cởi giầy cho Nam,  đắp mền ngay ngắn, rồi ngồi dựa lưng vào vách ngủ gục. Khi chợt tỉnh  giấc, thấy Nam còn ngủ say, cô tò mò lấy cái bóp da mà Nam để trên đầu  giường mở ra coi. Tình cờ một tấm hình đen trắng rớt ra ngoài, cô lượm  lên và ngắm nhìn hình chụp trong đó. Cô ngạc nhiên tột cùng, dụi mắt hai  ba lần, coi đi, coi lại. Cô tới đứng trước tấm kiếng trong nhà tắm nhìn  hình người thiếu nữ e-ấp dưới chiếc nón lá, trong áo dài trắng nữ sinh,  rồi nhìn khuôn mặt của chính cô. Cô phải vịn tay vào cạnh bàn mấy giây  để định thần. Khi cô đặt tấm hình vô bóp thì thấy ở mặt sau có mấy giòng  chữ: "Thương tặng Anh để nhớ mãi mối tình đầu", Bé Nguyệt.


Cô gái lảo-đảo ngồi xuống  sàn phòng, nhắm mắt chờ Nam tỉnh dậy để hỏi cho ra ngọn ngành. Hằng xưng  hô với Nam là "chú" và "con", một cách khá thân mến như đã quen biết từ  sâu-xa lắm rồi. Nam cũng hơi bất ngờ và ngỡ-ngàng, tự hỏi vì sao cô gái  lạ nầy có thái độ "dễ thương" nầy. Chàng cũng tự hỏi không biết mình có  làm điều gì "sỗ-sàng" với cô ta hồi đêm qua? Anh coi lại "tình hình"  khăn mền trên giường và quần áo trên người thì không thấy dấu vết gì  "lộn-xộn", nên có phần yên lòng.


Hằng đi thẳng vào vấn đề  mà nàng khám phá lúc nửa đêm, lý do khiến nàng tỏ vẻ thân mến người đàn  ông "Việt-kiều" nầy. Như "Chú là ai, có quen biết gì Bà Kim Thị Nguyệt,  Ông Kim Ngọc Tha ở xã Long Toàn, huyện Duyên-hải" (  VC gọi Quận LT là  huyện Duyên Hải mà Nam không biết)....


Nam nhìn kỹ Hằng trước khi  trả lời. Hằng có nhiều nét giống Nguyệt của  chàng hồi đó, tuy có vẻ  dạn-dày hơn do hoàn cảnh xã hội đảo-điên của  cuộc đổi đời.


Mỗi lời nói của Nam là một nỗi vui mừng khiến cho Hằng càng thêm rạng-rỡ, quên hết mệt nhọc vì mất ngủ tối qua.


Sau khi nghe Hằng thuật  lại nguyên do nàng biết Nam có liên quan đến má nàng do "mạo muội" lục  soát cái ví tay lúc Nam say ngủ, và thấy tấm hình đen trắng và câu đề  tặng sau hình, Nam tới cạnh Hằng, rung-động cầm lấy hai cánh tay, dìu  nàng đứng lên rồi bất ngờ ôm Hằng trong vòng tay như của một người cha  gặp lại con gái sau bao năm xa cách. Trong đôi mắt chàng long lanh ngấn  lệ và Hằng khóc thành tiếng úp mặt vào ngực chàng.  Ôi! cảm động xiết  bao cảnh tượng sum vầy!


Nam nói Hằng ngồi đợi  chàng đi thay quần áo rồi hai người sẽ cùng nhau đi ăn sáng và mướn xe  đi về nhà Ông Bà Ngoại và má Nguyệt ở chợ LT, cách Thị xã hơn 40 km về  phía biển Ba động.


Hằng dẫn Nam vô gặp người  quản-lý khách sạn xin phép nghỉ vài ngày về quê.  Người quản-lý nhìn hai  người có vẻ hồ-nghi. Biết vậy Nam lịch sự giải bày sự việc thẳng thắn,  không giấu diếm điều gì để đánh tan sự nghi ngờ, đồng thời đặt thuê  phòng ngủ thêm một tuần, trả tiền trước đàng hoàng.  Hằng hớn hở nắm tay  Nam đi ra khỏi khách sạn mà không mắc cở hay xấu hổ gì.


Nhìn dáng đi "nhí-nhảnh"  của Hằng, Nam cũng thấy rộn-rã trong lòng. Anh để cho cô gái hướng dẫn  và làm mọi việc như tới quán cà-phê ngon, nơi ăn sáng sạch-sẽ, đồ ăn  tương đối "lành mạnh"... Sau đó tới chỗ mướn xe trên đường số 2, Trần  Quốc Tuấn cũ. Nam chợt nhớ phải mua quà gì để đem về nhà cho Ông Bà và  Bé Nguyệt. Nam đề nghị Hằng ghé chỗ bán quần áo may  sẵn, kêu Hằng tự  lựa cho mình và cho những người trong nhà. Đồng thời mua vài ký thịt bò  cùng rau cải để nấu cho bữa cơm đặc biệt nầy. Không  thể kể ra hết các  thứ cần dùng vì cả hai người đều nôn-nao muốn về ngay.


Nam  vui vẻ móc túi trả  tất cả chi-phí cho sự mua sắm nầy. Nam càng thấy quý trọng Hằng khi nàng  rất hạn chế trong việc chọn đồ, mặc dù vẫn biết Việt Kiều nào cũng  rộng-rãi "bao-biện" cho thân nhân khi về nước thăm nom.


Đường sá bây giờ dễ đi vì  không còn chiến tranh, không sợ VC phục-kích, giựt mìn hay chận xe bắt  cóc.... Dù vậy đường tráng nhựa không đạt kỹ-thuật (vì bị "móc ruột") có  nhiều đoạn dằn xóc; có lẽ không có sự giám sát nên bị bỏ lơ cho "xuống  cấp", nhứt là đoạn từ bờ sông Bến Giá đi tới Chợ Long Toàn, chừng 5, 6  km, đường hẹp, lớp nhựa tráng trên mặt đường khá  mỏng, bị bong ra nhiều  chỗ loang lỗ, đọng nước sau khi trời mưa.


Nam mơ màng và tưởng tượng khuôn mặt trẻ thơ tuổi học trò năm nào giờ  thay đổi ra sao! Nên những lời ríu-rít của Hằng không được anh chăm chú   để nghe.


Khi còn cách chợ LT hơn  200 mét, xe ngừng và quẹo vô một khoảng sân cát đồi khô ráo, rồi đậu  trước cửa. Hằng bảo Nam ngồi lại trên xe, chờ nàng vô trước, ngụ ý tạo  ngạc nhiên cho cả nhà.

Không chờ đợi lâu, Hằng  nắm tay một thiếu-phụ gầy gò trong bộ quần áo đen bạc màu, đi tới gần xe  đúng lúc Nam mở cửa bước xuống. Vì đã nghe con gái thuật lại phần nào  cuộc sống hiện tại, Nam thấu hiểu hoàn cảnh của người yêu. Đáng lẽ như ở  Mỹ thì Nam đã bước tới cạnh Nguyệt, ôm ghì nàng vào lòng, tay vuốt ve  tấm lưng thon thả "ngày xưa". Nhưng đây là nơi quê mùa trong một tỉnh  cuối đường, nên anh chỉ nhìn Nguyệt một cách trìu mến và  "đau xót" cho  một "đời hoa" trong cuộc đổi đời đầy "nghiệt-ngã". Nguyệt chỉ kêu lên  nho nhỏ: "Anh Nam phải không?" rồi chạy vụt vào nhà, ngồi gục đầu trên  bàn nước ở phòng khách mà khóc nức nở. Đúng là "cuộc  trùng-phùng" nào  cũng đem đến nhiều nước mắt, mà đây là nước mắt của  "hạnh-phúc  ngọt-ngào"!


Kể tới đây, Nam tỏ ra rất  xúc động và tiếng nói trở nên nghẹn ngào. Tôi tôn trọng cảm xúc của anh,  để yên cho anh "một phút im lặng" hoài niệm một cuộc tình.


Nam khẻ đặt tay lên hai bờ  vai của Nguyệt với nỗi lòng xúc động vô cùng.  Trong giọng nói êm đềm,  ngọt ngào anh xin lỗi đã không liên lạc gì để tìm tung-tích của hai mẹ  con nàng. Anh mong nàng hiểu cho và thông cảm với người mất nước  lưu-vong. Hai mươi năm nay Nam vẫn nhớ thương và luôn bị ray-rứt từng  ngày. Nam giữ lòng chung thủy nên không lập gia-đình,  dù anh có đầy đủ  điều kiện vật chất. Do có sự ký kết bang-giao giữa Cộng  sản VN và Mỹ,  chàng mới "dám" trở về thăm cha-mẹ, anh em ở Sài gòn và  tới đây để tìm  Bé Nguyệt ngày xưa. Và cũng đáng quý thay Nguyệt ở vậy  nuôi con chờ  chàng, dù sự chờ đợi rất mong manh, rất "ảo-tưởng".


Ông Trời ở trên cao đã không phụ lòng người chung-thủy!


Nguyệt bắt đầu trở về thực tại để nở một nụ cười hạnh phúc mà hai mươi năm qua ủ kín trong lòng.


Buổi chiều hai vợ chồng Tha trở về nhà từ công-việc đồng-áng ở xóm trong cách nhà non 5 cây số.


Hai người giương mắt nhìn  Nam với sự ngạc nhiên tột cùng, tưởng như đang ở trong mơ. Trông dáng vẻ  nhọc-nhằn, đen đủi của ba-má Nguyệt, Nam chợt thấy xót xa. Nhưng rồi  chuyện vui "đoàn tụ" làm cho mọi người bắt đầu cho một trang sách mới  cho cuộc đời sau 20 năm. Ngay cả người tài xế cũng chia sẻ nỗi vui mừng  cao ngất nầy của những con người đã phải trải qua một cuộc đổi đời  "nghiệt-ngã" trong ngày 30 năm tháng ấy!


Nam ngõ ý "hợp-thức hóa" hôn-nhân với Nguyệt rồi bão lãnh hai mẹ con qua Mỹ với chàng.


Mọi việc diễn tiến suông sẻ như anh sắp xếp.


Nam trở về Roanoke,  Virginia tìm mua một căn nhà xây tổ ấm muộn màng, để đền đáp lại tình  yêu cao cả của Nguyệt và cũng để tự thưởng mình về sự  "chung-thủy" 20  năm.


Tôi sẽ gởi chuyện ngắn nầy  tới Nam cùng với sự thán-phục một chàng trai "có hiếu, có tình". Và  không quên gởi tới chàng những lời "chúc phúc".


Gần ngày Lễ Tạ-ơn 2015 ở Virginia, cuối Thu lá vàng rụng đầy sân.


NVA

người Cai-Lậy.


bottom of page