DIỄN ĐÀN
TÂM TÌNH
TRƯƠNG QUANG
Viết văn trường thiên thành tác phẩm, hay dù viết mấy câu ngắn ngùi nhắn tin, đều phải dùng rành rẽ các tiêu điểm chính tả thì lời lẽ mới rõ ràng, chính xác. Các tiêu điểm ấy là các dấu được ghi lúc hành văn:
--Dấu phết (,) còn gọi là dấu phảy (virgule), nằm giữa câu để chia phân từng ý tưởng, nên trong một câu dài có những dấu phết phân cách từng mệnh đề. Dấu phết là tiêu điểm duy nhất được đánh từ ngang hàng gạch xuống dưới, nằm sát mẫu tự chữ trước và cách mẫu tự chữ sau một khoảng hẹp.
--Dấu chấm câu (.) đặt ngang hàng gạch, cuối một câu đã trọn nghĩa, bất luận câu dài hay ngắn. Sau dấu chấm câu (point) phải chừa khỏang trống hẹp, rồi đến mẫu tự đầu câu sau phải viết hoa (lettre en majuscule).
Nếu sang hàng sau dấu châm câu, đến một tiểu mục mới, thì nên chừa trắng một vài hàng như chỉ dấu phân đoạn trước khi viêt tiếp.
--Dấu chấm phết (;) đặt trên hàng gạch là dấu trung hòa giữa dấu chấm và dấu phết, nằm ở giữa câu dài, lấy mệnh đề sau bổ sung cho mệnh đề trước (khi chưa nên dùng dấu chấm, dứt câu). Sau 'dấu;' (point virgule) không viết hoa.
--Dấu than(!) còn gọi văn hoa là dấu cảm thán (point d'exclamation) đặt trên hàng gạch ở cuối câu văn để bày tỏ lòng thương tiếc, hay sự ngạc nhiên. Dấu than thường bị lạm dụng đi chung với dấu hỏi nhằm diễn đạt sự bất bình thường hay nỗi phân vân, rắc rối.
--Dấu 2 chấm (:) đặt trên hàng gạch được dùng đề kể ra những sự vật do mệnh đề đi trước đặt ra. Nhiều sự vật được kể ra sau dấu 2 chấm (deux points) phải sang hàng, viết hoa mẩu tự đầu; nếu chỉ kể một vài sự vật nhỏ sau 'dấu :' thì không cần sang hàng, cũng không viết hoa.
--Dấu hỏi (?) đặt trên hàng gạch, ở cuối câu nghi vấn, để diễn tả sự nghi ngờ, sự bất nhất và được dùng nhiều trong đối thoại. Mẫu tự đầu của mệnh đề sau 'dấu ?' (point d'interrogation) phải viết hoa.
-- Dấu ngoặc đơn ( ) đặt trên hàng gạch như ký hiệu của chú thích ngoài lề nằm trong ngoặc đơn (parenthèse), hoặc giải nghĩa thêm cho mệnh đề đi trước. Mẫu tự đi sau dấu đóng ngoặc đơn chỉ viết hoa khi đứng sau dấu chấm câu, do mênh đề đi trước đã trọn nghĩa.
--Dấu ngoặc kép " " đặt trên đầu hàng chữ, để ghi dấu là chữ đặc biệt. Đoạn văn nằm giữa dấu ngoặc kép (double parenthèse) là ký hiệu trích dẩn từ nhân vật hay tác phẩm khác, người viết chỉ y sao nguyên tác.
*Trên bàn phím máy computer có nhiều dấu khác không liên quan mấy đến chính tả nên không được đề cập đến nơi đây.
Tản mạn chuyện DẤU CHẤM CÂU
* Chuyện không dấu chấm, phết trong chữ Hán.
Ngày xưa, một phú ông hay chữ, lúc về già mới sinh được mụn trai đặt tên Phi; cô gái lớn có chồng ở rể theo quê vợ. Phú ông muốn tỏlòng quí chàng rể, nên ra câu đối: " Tử là con, Tế là Rể, con rể tử tế ". Chẳng có ai đối đáp lại cho đúng & chỉnh. Trước khi qua đời, phú ông để lại chúc thư cho con và rể, như sau:
Thất thập sinh phi phi ngô tử dã kỳ điền sản giao dữ tử tế ngoại nhơn bất đắc tương tranh (Hán tự cũ không có dấu phết, chấm, không có viết hoa).
Cầm chắc di chúc, chàng rể chiếm trọn gia sản của cha vợ, vì quân sư quạt mo đã ngắt câu và giải nghĩa rằng: Thất thập sinh phi= bảy mươi mà sinh là không có ; phi ngô tử dã= ấy không phải con ta. Kỳ điền sản giao dử tử tế= Vậy ruộng vườn tài sản giao cho CON RỂ. Ngoại nhơn bất đắc tương tranh=Người ngoài không được cùng tranh giành.
Khi cậu con trai lớn lên, bèn đệ chúc thư lên Quan Huyện đòi lại tài sản anh rể đã chiếm đoạt. Quan Huyện thông thạo cả Tây học và Hán học, bèn phiêm âm chúc thư ra Việt ngữ, rồi đọc rành rẽ theo dấu chấm, phết và tên người như sau; Thất thập sinh Phi, Phi ngô tử dã. Kỳ điền sản giao dữ tử. Tế ngoại nhơn bất đắc tương tranh.
Quan huyện giải nghĩa:Bảy mươi tuổi sinh được Phi, Phi là con ta. Vậy ruộng vườn tài sản giao lại cho CON. Rể là người ngoài, không được tranh giành.
Đặt dấu phết, dấu chấm như thế, viết hoa tên người rành mạch từ chúc thư chữ Hán, đã giúp cho cậu Phi thâu hồi tài sản.
* Chuyện dấu phết, chữ Việt
Cách nay khá lâu, một phú ông nọ mệnh chung, có lưu hạ vườn nhà cho con trai. Sau vài năm hoang phí, người con đem bán vườn cây ăn quả sau nhà, chỉ xin chừa lại cây dầu mà tổ tiên đã trồng để lưu dấu cho gia tộc. Trong văn khế đoạn mãi viết: Tôi là Trần X.. bán cho ông bà Nguyễn Y..
6 mẫu đất vườn dầu một cây không bán...
Bán xong, ông X còn luyến tiếc cây cối hoa màu, cây thầu dầu không cho đốn, mà ôngY cần hạ cây dọn vườn để xây dựng nhà máy dệt. Vụ việc phải đệ trình lên quan Tòa; ông X đến cầu cạnh thầy Thông phán, thầy Thông phán bèn thêm dấu phết sau chữ vườn. Quan tòa giải thích: Ông Trần X.. chỉ bán đất thôi, còn cây không bán, dầu một cây cũng không bán. Kết quả ông X thắng kiện, nên ông Y không đốn hạ được môt cây nào. (Chữ dầu=cho dù; thêm dấu phết để tách biệt giữa bán đất, không bán cây ăn quả).
*Chuyện dấu phết, dấu chấm câu và thơ sang hàng
---Nước VN xã hội chủ nghỉa có chủ trương "Cai đẻ" bằng khẩu hiệu: Gia đình có hai con, vợ chồng hạnh phúc. Tại một phường nọ, dân chúng đọc được trên biểu ngữ 2 hàng chữ to tướng do mấy ngài "đại học"! viết:
Gia đình có hai con vợ
Chồng hạnh phúc .
--- Nguyễn Trùng Dương là lực sĩ đô vật ở tỉnh Bắc-ninh, miền Bắc VN. Anh được truyền tụng trong câu ca dao được viết xuống hàng đúng với thể lục bát (hàng trên 6 chữ, hàng dưới tám chữ):
Bắc ninh có cậu Nguyễn Trùng
Dương vật rất khỏe cả vùng thất kinh.
--- Bộ môn thê thao Badminton, thời VNCH gọi là VŨ-CẦU vì trái cầu phần trên kết băng lông vũ của gà hay chim cho dễ bay. Miền Bắc gọi là CẦU LÔNG (tôi không thấy có Mao cầu kết bằng lông... như tóc). Chữ "Cầu lông" là danh từ kép, đã tách rời ra trong 2 câu lục bát mỉa mai:
Mấy em mặc váy đánh cầu
Lông bay phất phới trên đầu các anh.
--- Cô gái hồi âm (reply) cho người bạn trai đã gởi đến cô lời thư bay bướm. Theo thể lục bát, cô tách rời chữ bướm xuống câu 8 chữ hàng dưới, khiến chàng trai háo hức đến bướm là "cái ấy":
E mail anh viết rất bay
Bướm em mong đợi từng ngày từng đêm.
--- Chính quyền phường xã tổ chức cho phụ nữ đi đặt Vòng-hoa trên phần mộ chiến sĩ tử trận, nhân ngày Thương binh liệt sĩ :
Chị em nô nức dặt vòng
Hoa mộ liêt sĩ tỏ lòng biết ơn.
Tách rời thành 2 hàng như trên đưa đến phản nghĩa vì 'Chị em nô nức đặt vòng' là thuật ngữ "đặt vòng ngừa thai".
__ Thơ tuyên truyền mà phản nghĩa (rồi kết tội người đọc là phản động), như 2 câu thơ hô hào đi bầu phiếu:
Ta đi bầu cử tự do,
Chọn người tài đức mà cho vô hòm.
(ngoài Bắc gọi Thùng phiếu là Hòm phiếu).
Thơ có chủ ý SAI CHÍNH TẢ hoặc LẠC VẬN
Như trên, chúng ta nhận thấy có những văn bản thiếu dấu phết, dấu chấm cần có và những câu thơ sang hàng sai chỗ. Phải kế đến những câu thơ lạc vận hoặc sai dấu giọng rất điệu nghệ:
--- Ông thi sĩ tài ba Bùi Giáng nổi tiếng ngông; quê nhà ông ở tỉnh Quảng-nam, nơi có sông Thu-bồn thơ mộng chày ra cửa biển Đà-nẵng. Thu-Ba là nghệ sĩ ngâm thơ thành danh; hôm ấy tại Hà-nội, Thu-Ba diễn ngâm bài thơ ca tụng Thu-bồn. Ngâm thơ vừa dứt, Ban tổ chức mời thi sĩ Bùi Giáng lên phát biểu cảm tưởng. Bùi Giáng liền ứng khẩu 2 câu thơ:
Thu-Ba ca ngợi Thu-Bồn ,
Thu-Bồn thích chí sờ...tay Thu-Ba .
Mọi người cười bò ra sàn, vì biết một nhà thơ nổi tiếng như Bùi Giáng không thể nảo lảm thơ lạc vận như vậy được. Ông cũng 'xỏ ngọt' vào tên THU thời thượng bằng cách "nhân cách hóa" Thu-Bồn.
--- Chợ Đồng-xuân ở Hà-nội cũng có câu hát bình dân rất ngộ nghĩnh:
Chợ Đồng-xuân đã có tiếng đồn,
Có chị bán trứng vịt ...lộn rất to.
Ai cũng đều biết tiếng nào hợp vận với tiếng "đồn" ở câu trên.
--- Cũng tại Hà-nội, có đông du khách phụ nữ vào thăm lăng tẩm bác Hồ ở quảng trường Ba-đình; họ tức cảnh sinh tình làm thơ:
Vào thăm lăng Bác âm u,
Chị em phụ nữ dỡ...mũ ra chào.
Họ kháo nhau: Bỏ dấu ngã trên chữ "mũ" mới hợp vận với chũ u ở trên!
Vần thơ trào phúng thay KẾT LUẬN
* Sử dụng các tiêu điểm không đúng cách khiến cho lời văn tối tăm, ý tứ không minh bạch, cấu trúc không nhịp nhàng. Ngay cả khi dùng dấu phết sau mỗi 2 chữ đồng nghĩa trong vài câu hài hước sau đây, vẫn không phạm lỗi, còn thêm thích thú:
Nửa đêm, giờ tý, canh ba.
Vợ tôi, con gái, đàn bà, nữ nhi.
* Dưới thời Pháp bảo hộ Bắc kỳ, có cô Tư Hồng tính lẳng lơ, lấy Tây. Vào năm đói kém, cô Tư phát chẩn, làm việc từ thiện khá lớn, được quan Tây và Nam-triêu cấp bằng danh dự và ban phầm hàm cho cô ta và cả cho cha mẹ cô. Thi hào Nguyễn Khuyến được mời tham dự tiệc khao mừng của cô Tư Hồng; giữa đông đảo quan viên, ông đươc mời cho thi phú làm kỷ niệm. Ông Tam nguyên làngYên-đỗ ứng khẩu ngay một câu đối:
Ngũ phẩm vua ban, hàm cụ lớn.
Trăm năm công đức, của bà to.
3 chữ "hàm cụ lớn" có nghĩa là phẩm hàm cụ lớn,còn có nghĩa là hàm răng cụ...; đối vởi 3 chữ của bà to có nghĩa "của ấy" của bà to. Quá thâm mà cũng quá cay! Đúng là chữ nghĩa của Thủ-khoa 3 kỳ thi Hương+ Hội+Đình. Rất thú vị là cách ngất câu theo dấu phết 4- 3 như trên rất chặt chẽ trong câu đối. Nếu ngắt câu theo dấu hai chấm 3-4 như dưới đây thì tiết tấu dù khác mà vẫn hay không kém:
Ngũ phẩm: vua ban hàm cụ lớn.
Trăm năm: công đức của bà to.
Trong thi văn phải có tiêu điểm như dấu chấm, phết, hai chấm... thì lời văn khi đọc được ngưng nghỉ đúng lúc, câu văn được rành mạch, khúc chiết và trong sáng, ./.
Conecticut, 4-2020
Trương Quang