top of page
Banner edge
DIỄN ĐÀN 3.png
DIỄN ĐÀN 2.png
DIỄN ĐÀN 1.png

DIỄN ĐÀN

TÂM TÌNH

VI ANH

Tháng Tư thành kính tri ân. Một người đang bày tỏ lòng thành kính trước tấm bia tưởng niệm những sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã tuẫn tiết tại Miền Nam Việt Nam vào cuối tháng Tư năm 1975, trong khuôn viên Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Thành Phố Westminster trưa Chủ Nhật, ngày 3 tháng 4, 2022. (Hình: Phúc Quỳnh/Viễn Đông)


(Viendongdaily.com): Tháng Tư năm 2022 là năm thứ 47 Việt Nam Cộng Hoà bị bức tử. 47 năm Quốc Hận người Việt Quốc Gia tự do sống không nguôi, chết ôm xuống tuyền đài không tan. Cuộc chiến đấu chống Cộng Sản độc tài đảng trị toàn diện 47 năm qua của người Việt trong ngoài nước còn tiếp diễn. Mỗi lần gần đến tháng Tư là đến mùa Quốc Hận và ngày 30 tháng Tư là đến Ngày Quốc Hận. Người Việt Hải Ngoại đầy đủ tự do luôn chuẩn bị làm lễ tưởng niệm, một lễ chánh trị lớn nhứt trong năm và là cơ hội ôn cố tri tân cần thiết và quí giá.


Chánh nghĩa chống độc tài của người Việt Quốc gia tự do càng ngày càng sáng tỏ chánh trực. Những ý đồ lẻ tẻ chủ trương không gọi ngày 30-4-1975 là ngày Quốc Hận, mà gọi là Ngày Tự Do của nhóm Hòa Giải, Hòa Hợp, Ngày Thống Nhứt do CS Hà nội tuyên truyền bị người Việt quốc gia trong ngoài nước đại đa số là quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa và gia đình cùng hậu duệ phản đối, bác bỏ, tịt ngòi luôn.


Với độ lùi thời gian khá đủ, hồ sơ giải mật quá nhiều, nghiên cứu của các đại học vô tư, lịch sử đã trả lại chân lý cho Chiến Tranh Việt Nam. Đó là chánh nghĩa mà mấy thế hệ người Việt hy sinh những ngày trẻ trung hoa mộng để vào Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu tự vệ chánh đáng, chống lại làn sóng xâm lược của Cộng Sản Bắc Việt xâm lược Miền Nam do Liên Xô và Trung Cộng mà Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí Thư Lê Duẩn của Đảng CSVN tự hào khoa trương trong Đảng.


Việt Nam Cộng Hòa còn tồn tại sau khi đồng minh Mỹ “Việt Nam hóa chiến tranh” để rút quân về. Việt Nam Cộng Hòa còn tồn tại sau khi Mỹ ký Hiệp Định Paris năm 1972 mặc thị cho quân Cộng Sản xâm nhập ở lại Miền Nam mà quân Mỹ rút hết. Việt Nam Cộng Hòa còn tồn tại đến 30- 4- 1975. Nói chung kể ra quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa cũng “chì” lắm. Có nhiều nghiên cứu của Mỹ so sánh nếu quân lực Mỹ bị cúp xăng dầu, đạn được, máy bay như Quân Lực VNCH bị thì quân lực Mỹ chỉ chịu nổi ba tháng, chớ không phải ba năm như quân lực VNCH.


Mầm móng thất bại không phải ở VN mà sinh sôi nẩy nở ở bên Mỹ. Mỹ thất bại ngay tại Mỹ, ngay ở đồi Capitol, tại thủ đô Washington DC của Mỹ. Có thể thấy rõ trong cuộc nói chuyện mật của mấy đời tổng thống Mỹ dính vào Chiến Tranh Việt Nam. Những băng ghi âm được giải mật gần đây cho thấy Chiến Tranh Việt Nam là chuyện bất đắc dĩ của hầu hết mấy đời tổng thống Mỹ, Dân Chủ lẫn Cộng Hòa. Thử hỏi một cuộc chiến mà người đồng minh chánh yếu lại tham chiến bất đắc dĩ, chưa đánh đã muốn đàm, mới vào đã tính rút như vậy, dù chánh quyền và nhân dân Việt Nam có Trần Hưng Đạo, Quang Trung tái thế cũng không thắng nổi, chớ đừng nói Tổng Thống Ngô đình Diệm hay Nguyễn văn Thiệu.


Một đồng minh bất đắc dĩ như vậy mà lại muốn làm thay nghĩ thế cho quân dân Việt Nam Cộng Hòa, giành vai trò lãnh đạo chỉ huy bằng áp lực của đồng tiền viện trợ, bằng cách mua chuộc lũng đoạn nội bộ chánh quyền, quân đội nước bạn, tiếp tay cho phe này đánh phá, lật đổ phe kia, thử hỏi bạn còn sức đâu, còn tinh thần đâu mà chống CS trên nguyên tắc là kẻ thù chung của Việt Mỹ.


Cuộc họp xét lại Chiến Tranh Việt Nam ở Lubbock, Texas gần đây cho thấy một sự thật làm nỗi buồn nhược tiểu, nỗi nhục da vàng Việt Nam thêm thấm thía. Cuộc thảo luận của Cố Vấn Kissinger với Tổng Thống Richard Nixon, hai người ở trong phòng lạnh huy hoàng, tưởng mình là người ăn học cao, làm chánh trị giỏi, thông kim quán cổ, quyết định rút quân ra khỏi Việt Nam để tạo điều kiện cho TT Nixon đắc cử. Hai người chân chưa đụng bùn lầy chiến trường Việt Nam, chưa nhỏ một giọt máu, một giọt nước mắt, một giọt mồ hôi trong Chiến Tranh Việt Nam như mấy chục triệu quân dân cán chính VNCH và gần một triệu quân nhân Mỹ mà đi quyết định cho số phận những người trong cuộc. Mà quyết định vì quyền lợi ứng cử của riêng mình, mới độc địa làm sao ấy. Đau thương nhứt là Cố Vấn Kissinger đánh giá hai năm sau Việt Nam hóa chiến tranh coi như Việt Nam Cộng Hòa bị xóa số, đi vào dĩ vãng, với cách nói và giọng nói vô tình, vô cảm, vô luân không thể tưởng tượng được ở một người có ăn học.


Và phóng lao phải theo lao, Nixon và Kissinger tìm cách bóp méo sự thật về Việt Nam Cộng Hòa để hậu thế không đổ tội phản bội đồng minh, hại bạn chiến đấu. Kissinger vua đi đêm, vua xì tin tạo điều kiện hạ thể dân quân Việt Nam Cộng Hòa. Thời đó cứ mở báo Mỹ ra xem tin thì thấy tướng tá tham nhũng, lính tráng Việt Nam đào ngũ, sinh viên biểu tình, ký giả đi ăn mày, âm mưu đảo chánh, tướng này đánh tướng kia. Bình luận thì chê Chiến Tranh Việt Nam sai lầm, làm quân nhân Mỹ bị “hội chứng,” kinh tế Mỹ bị suy thoái, xã hội Mỹ bị phân hóa, chánh trị Mỹ bị chia rẽ. Dân chúng Mỹ bị phản chiến bằng truyền thông đại chúng, lần lượt ảnh hưởng Quốc Hội. Quốc hội trói tay Hành Pháp, cắt viện trợ cho Việt Nam, buộc quân đội Mỹ rút quân như thua trận lần đầu tiên trong quân sử Mỹ. Sau đó hủy bỏ định chế quân dịch đã có từ lâu ở Mỹ. Một cuộc chiến mà một ngày tốn hàng tỷ, giờ chót Quốc Hội Mỹ chỉ viện trợ $1 tỷ cho nguyên cả năm, rồi sau đó cắt thêm $300 triệu nữa thì quân đội Việt Nam Cộng Hòa coi như đã trắng tay. Cộng Sản Bắc Việt được thế đổ xô vào Miền Nam, Việt Nam Cộng hòa kêu cứu, Mỹ đánh chữ làm thinh, bất động như đồng lõa. Sau cùng Chiến Tranh Việt Nam phải kết thúc, CS Hà nội tóm thâu cả Miền Nam.


Để chống đỡ búa rìu dư luận về tội phản bội đồng minh, nhận định sai lầm tình thế và muốn làm thay nghĩ thế cho người trong cuộc, Nixon, Kissinger ngoài việc đổ tội cho Quốc Hội, cho phong trào phản chiến, còn đưa ra lập luận bỏ Việt Nam là bắt con tép để nhử con tôm Trung Cộng, phá vở hệ thống CS quốc tế, làm cho Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Biện luận đó hiện giờ vẫn còn giữ trong giới chánh trị khuynh tả và phản chiến. Nhưng không thuyết phục trước những sự thật, Phi Luật Tân không tin Mỹ, đuổi Mỹ ra khỏi nước, chỉ mới cho Mỹ đổ quân lại thời TT Bush chống khủng bố. Đại Hàn cũng thế, tự rèn cán chỉnh quân, tự tạo nội lực, phong trào quốc gia vươn lên thường biểu tình đuổi Mỹ. Và hầu hết những nhà phân tích chánh trị quốc tế đồng ý với nhau rằng Liên Xô sụp vì đột quị kinh tế do chạy đua võ trang với Mỹ, chớ không phải do Mỹ đi được với Trung Cộng.


Sự thật vẫn là sự thật; chân lý lịch sử dù Ông Trời cũng không đổi được. Một thời gian sau Mỹ hoàn toàn rút quân ra khỏi Việt Nam, trong khi Chiến Tranh Việt Nam còn tiếp diễn, chính Đại Sứ Mỹ Martin về tường trình quân đội Việt Nam Cộng Hòa chưa bao giờ giữ vững an ninh lãnh thổ, chánh trị Việt Nam, chưa bao giờ ổn định hơn lúc bấy giờ, nhờ tự quyết và tự chủ. Và 30 năm sau, tại Texas, Viện Lubbock, những học giả và sử gia ngồi lại tái thẩm định, trả chân lý, trả chánh nghĩa lại cho Chiến Tranh Việt Nam, cho Việt Nam Cộng Hòa và cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.


Người Việt bây giờ đã có gần 2 triệu rưởi người là công dân Mỹ không cần, không buồn trách móc mấy ông Mỹ tự phụ mình học nhiều, làm chánh trị cao đã đưa đẩy nước Mỹ phản bội đồng minh, bức tử VNCH vì cái đó đã đi vào quá khứ rồi. Điều quan trọng là người sau không phạm sai lầm trước nữa. Điều quan trọng là biết sử dụng chân lý, kinh nghiệm trong Chiến Tranh Việt Nam cho tương lai.


Chiến tranh Iraq, Afghanistan rất cần những kinh nghiệm ấy để Mỹ đừng mang tiếng phản bội đồng minh, bỏ nhân dân, chánh quyền, và quân đội Iraq, Afghanistan, Do Thái thân cô thế cô giữa biển hận thù Hồi giáo cực đoan. Và người Mỹ gốc Việt cũng cần rút kinh nghiệm để ứng phó thích hợp và đúng đắn trong công cuộc quốc tế vận đối với Mỹ trong sự nghiệp đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN./.


bottom of page