top of page
Banner edge
DIỄN ĐÀN 3.png
DIỄN ĐÀN 2.png
DIỄN ĐÀN 1.png

DIỄN ĐÀN

TÂM TÌNH

HẢI DI NGUYỄN (BBC New Tiếng Việt)

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng, tác giả nhiều bài thơ nổi tiếng như “Mùa thu Paris”, “Chưa bao giờ buồn thế” (nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành “Tiễn em”), “Khoác kín” (Phạm Duy phổ nhạc thành “Chiều đông”)… qua đời ngày 9/10 tại Minnesota, Hoa Kỳ.


BBC News Tiếng Việt đã trao đổi với nhà thơ Huy Tưởng, nhà thơ Phan Ni Tấn, nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ, và nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc về di sản của thi sĩ Cung Trầm Tưởng.


Vài nét tiểu sử


Theo thica.net, nhà thơ Cung Trầm Tưởng tên thật là Cung Thức Cần, sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội.


Ông bắt đầu làm thơ từ năm 15 tuổi, và năm 17 tuổi vào Sài Gòn.


Năm 1952, ông sang Pháp học và tốt nghiệp Kỹ Sư tại Trường võ bị Không quân ở Salon-de-Provence.


Ông về nước năm 1957 và phục vụ trong không quân cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Trong năm này, ông có hai bài thơ xuất hiện trong tập “Đất đứng” của nhóm Quan Điểm, là “Mùa thu Paris” và “Vô đề” (thơ trường thiên).


Năm 1958, ông chủ trương tờ Văn Nghệ Mới và cộng tác với nhiều tạp chí như Sáng Tạo, Hiện Đại, Nghệ Thuật, Văn, Khởi Hành… Trong thời gian này, một số tác phẩm của ông được Phạm Duy chuyển thể thành nhạc.


Sau 1975, ở Sài Gòn, ông bị đưa đi tù cải tạo 10 năm. Ông sang Hoa Kỳ định cư năm 1993, và ở đó tới khi qua đời ngày 9/10 vừa qua.


Nhà thơ Phan Ni Tấn nói với BBC Việt ngữ ngày 12/10: “Tính từ năm 1959 tới năm 2012, nhà thơ Cung Trầm Tưởng đã xuất bản bảy tập thơ trong và ngoài nước có thể nói quá đủ để nhà thơ tạo nên một sự nghiệp thơ đồ sộ có giá trị trên văn đàn thi ca Việt Nam.


Thập niên 50, thơ Cung Trầm Tưởng đã có sắc thái rất mới và lạ, từ hình ảnh, ngôn từ và nhạc điệu luôn luôn được tác giả diễn tả bằng một tâm trạng kỳ thú với tất cả sự rung cảm chân thành. Ngay những sáng tác đầu tay, ông đã hiển lộ những tài hoa, sâu sắc, chân thật với chính mình và với người.”


Nhà thơ Huy Tưởng nói với BBC Tiếng Việt ngày 12/10:


“Thi sĩ Cung Trầm Tưởng, trước sau như một người bộ hành, một tâm thức khám phá luôn hăm hở hướng về phía trước dù vẫn phải bước đi trên con đường có sẵn. Các thể loại cổ điển được ông thay biến nhẹ nhàng, linh hoạt, không khiên cưỡng thái quá mà tinh tế, tài hoa từ tiết tấu đến ngôn ngữ.


“Cung Trầm Tưởng cũng như nhiều thi sĩ cùng thời khác như Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên…đã đi ngang qua nhiều giai đoạn từ bình an đến khốc liệt của lịch sử nước nhà nên dòng thơ của ông cũng được phân chia thành hai thời kỳ rõ rệt: trước 1975, trữ tình và lãng mạn, chịu ảnh hưởng dòng thơ mới của Âu Châu nhất là các nhà thơ Pháp, góp phần làm tươi mới bầu khí còn bị vướng víu bởi nền thơ ca tiền chiến."


"Những tiết tấu mới lạ trong thơ ông đã làm nên khúc rẽ mạnh mẽ trong chuyển biến song hành đáng kể trên lãnh vực âm nhạc đối với nhạc sĩ Phạm Duy."


"Sau 1975, ông viết về chế độ tù ngục cùng đời sống vật vờ, kham khổ của đồng bào bị áp bức dưới sự cai trị hà khắc của chế độ độc tài, con người trở nên cam khó và vô vọng. “Những dấu chân ngang trên một triền phiếm định” là một trong năm tác phẩm tiêu biểu được viết và san định từ khi bị cầm tù cho đến lúc định cư tại Hoa Kỳ.”


Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc nói với BBC Việt ngữ ngày 11/10:


“Cung Trầm Tưởng là một nhà thơ nổi tiếng ở miền Nam trước năm 1975. Nổi tiếng vì thơ ông hay."


"Nổi tiếng còn vì thơ ông có phong vị lạ, hiếm thấy ở thuở ấy: khung cảnh và những mối tình ở Paris."


"Nhưng nổi tiếng nhất là khi nhiều bài thơ của ông được phổ nhạc. Người ta có thể không đọc thơ ông, nhưng người ta không thể không nghe những bài hát phổ từ thơ của ông. Đó là những bản nhạc được xem là hay nhất của Phạm Duy. Sự kết hợp giữa thơ và nhạc làm lay động lòng người và, tôi đoán, làm tên tuổi Cung Trầm Tưởng sẽ còn lại mãi.”


Nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ lại nghĩ khác. Nói với BBC Việt ngữ ngày 13/10, ông cho rằng: “Về thơ phổ nhạc, theo quan điểm của tôi, thì thơ Cung Trầm Tưởng vẫn là thơ và ai phổ nhạc thì đó là nhạc của họ."


“Thơ thứ thiệt không bao giờ liên quan tới nhạc hay nói một cách khác nhờ nhạc để nổi tiếng thì thơ của Cung Trầm Tưởng càng không, vì thơ Cung Trầm Tưởng khi bạn đọc lên đã đầy âm nhạc, vậy nên có thể nói các nhà âm nhạc đang “hát thơ” thì đúng hơn…"


"Với một thi sĩ đẹp sang cả như Cung Trầm Tưởng thì âm nhạc chỉ là một người bạn chung đường, mỗi người là một nỗi buồn không thể chia lìa trên cõi đời thi ca hoa mộng…”


Từ Hà Nội vào Sài Gòn


Nhà thơ Phan Ni Tấn nói “Nhà thơ Cung Trầm Tưởng tuy sinh tại Hà Nội nhưng ông sớm quyết định bỏ vào Sài Gòn là một ý thức hệ vô cùng sáng suốt.”


Nhà thơ Huy Tưởng cho rằng “Quyết định rời bỏ quê nhà để vào miền Nam tự do đã làm nên một định phận hoàn toàn trái ngược nếu ông còn lưu lại Hà Nội: Sẽ không ai biết Cung Thúc Cần hay một thi sĩ Cung Trầm Tưởng là ai và làm gì (?), có chăng thì cũng chỉ một văn công nhạt nhòa đi về lập lờ sớm tối, nép mình trong lầm lũi, bất an, vô định…như một Văn Cao, Quang Dũng, Trần Dần, Lê Đạt…”


Mười năm “học tập cải tạo”


Nhà thơ Phan Ni Tấn cho rằng: “Nói đến thi ca, Cung Trầm Tưởng là nhà thơ của trí tuệ, của nhân bản, gần gũi, bình dị và thuần lương."


"Tuy nhiên, sau cơn bão thời thế, thời gian ông đi tù “cải tạo” đã gợi lên trong ông những tình cảm xót xa, những nỗi buồn xoáy vào dải đất miền Nam tan tác, đau thương và thân phận bi thảm của con người."


"Sau mười năm lao lý, Cung Trầm Tưởng đã hoàn toàn thay đổi hướng sáng tác từ trữ tình sang dấn thân, thơ tù của ông kết hợp từ thực chất cuộc sống đày ải trở nên đanh hơn, hiện thực hơn."


"Chính sự đối nghịch làm cho thơ phản kháng của ông có một phong cách đứng thẳng. Tôi xin đơn cử vài câu thơ khí khái của ông:


Lòng ta đứng vững như vầu

Thân cao lòng thẳng giữa bầu trời xanh


...


Vầu đanh như thép sáng ngời

Nắng mưa thì cũng trọn đời đứng ngay

(“Biểu Tượng”)


Tuy nhiên, sau mười năm tù tội, cái bản ngã thuần lương của một thi sĩ như ông vẫn không đánh mất, vẫn còn đó cái lãng mạn, thủy chung của thi ca.”


Di sản của nhà thơ Cung Trầm Tưởng


Nói về di sản của Cung Trầm Tưởng, nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ nói:


“Không thể nói là đồ sộ như cái kiểu cách mà các nhà phê bình Việt Nam XHCN thường hay nổ, thơ một cách nào đó là phi văn chương, nó không “đồ sộ” vì nó không có “chương hồi trích đoạn”. "


"Thơ vắng lặng như một con đường mòn trong mưa xuân, như một toa tàu hoang vắng với đôi tình nhân đang hôn nhau tha thiết, có thể sau lưng họ trên đầu họ là bom gào đạn rú, con tàu vẫn hú còi lên đường và những cuộc chia tay vẫn không có ngày trở lại... cho đến cuối đời với thi sĩ vẫn là những cuộc giang hồ lữ thứ, vẫn là những cuộc chia ly không bến không bờ…”


Nhà thơ Phan Ni Tấn cho rằng: “Nghệ thuật dùng chữ của nhà thơ Cung Trầm Tưởng thường toát ra những hình ảnh sinh động, giàu chất thơ và nhạc điệu tạo nên mặt tươi sáng nhất, đáng yêu nhất trong đời sống con người."


"Tôi cho đó là di sản thơ Cung Trầm Tưởng. Về thơ phổ nhạc, ông được cây đại thụ trong nền âm nhạc, là nhạc sĩ Phạm Duy phổ liên tục năm bảy bài từ thơ Cung Trầm Tưởng. Đó cũng là niềm vinh dự cho cả hai nền âm nhạc và thi ca Việt Nam."


"Từ đó cho đến ngày qua đời, Cung Trầm Tưởng vẫn có một vị trí sáng chói trên nền trời thi ca Việt Nam, luôn luôn tạo ấn tượng tốt đẹp về phẩm cách, chiếm được cảm tình và sự tin yêu của người đọc.”


Nhà thơ Huy Tưởng nói “Trước tiên và sau cùng, thi sĩ Cung Trầm Tưởng cũng như hầu hết các nghệ sĩ sáng tạo của miền nam Việt Nam, họ là một con người tự do và của tự do, lồng lộng tự do trong sáng tạo nghệ thuật, do vậy tác phẩm và sự nghiệp của ông ấy để lại sẽ luôn có một vị trí nhất định trong kho tàng và lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam, riêng biệt và độc sáng, không đồng phục với bất cứ ai, với bất cứ tập thể hay tổ chức nào khác.”


(Theo BBC)


bottom of page